Trà là đồ uống gắn liền với người dân Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày, trở thành nét đẹp văn hóa người Việt. Được coi là “cái nôi” của ngành chè Việt Nam, trở về quê hương đất tổ Hùng Vương, bạn sẽ hiểu thêm về lịch sử phát triển cây chè nơi đây với những vùng trà xanh mướt mắt, và những câu chuyện thú vị xoay quanh cây chè Phú Thọ.
Lịch sử phát triển cây chè Phú Thọ
Nhắc đến Phú Thọ, người ta sẽ liên tưởng tới vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, gắn liều với truyền thuyết Vua Hùng và lịch sử ngành chè Việt Nam. Năm 1885, thực dân Pháp tiến hành khảo sát vè cây chè trên đất Phú Thọ và về sản xuất chè ở Việt Nam. Đến giai đoạn 1890 – 1891, tại vùng giữa sông Đà và sông Hồng, một đồn điền kinh doanh chè đầu tiên được xây dựng tại xã Tình Cương, Cẩm Khê với diện tích 60ha. Năm 1913, toàn quyền Đông Dương đã ký quyết định thành lập Trại nghiên cứu nông lâm nghiệp Phú Thọ, tiền thân của Viện nghiên cứu chè ngày nay.
Theo tài liệu khảo cứu của Viện khoa học xã hội, người ta tìm thấy những dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở vùng đất tổ Hùng Vương. Hương sắc và vị ngon của chè Phú Thọ từ lâu thực sự là niềm tự hào của vùng Đất Tổ. Những năm còn bao cấp, hương vị ngày Tết của cán bộ công chức viên chức không thể không có gói chè Hồng Đào của nhà máy chè Thanh Ba. Cân chè móc câu sản phẩm truyền thống do người dân vùng chè ở Thanh Ba, Phù Ninh, Đoan Hùng… làm ra là quà quý mang đi khắp xa gần.
Tình hình phát triển cây chè tại Phú Thọ
Phú Thọ là vùng đất trung du với nhiều đồi lớn, phù hợp cho sự phát triển cây chè. Trước đây, người dân chủ yếu trồng những giống chè cũ phục vụ sản xuất chè đen xuất khẩu. Thu nhập thấp khiến người dân không mặn mà nên diện tích chè giảm mạnh. Trước thực trạng đó, những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, đồng thời có chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích, trồng giống chè có năng suất, chất lượng, góp phần đưa chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Sau một thời gian triển khai, đến nay, Phú Thọ vươn lên đứng thứ tư về diện tích và thứ ba về sản lượng chè của toàn quốc. Trên địa bàn tỉnh có 17 làng nghề chế biến chè giải quyết việc làm cho 2 nghìn lao động. Tại đây, đã hình thành nhiều làng nghề, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè đen, chè xanh bảo đảm chất lượng được thị trường chấp nhận.
HTX chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ (thị xã Phú Thọ) là một trong những điển hình về phát triển và xây dựng thương hiệu chè. Ðến nay, HTX đã quy hoạch được vùng sản xuất chè tập trung với diện tích hơn 22 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 500 tấn chè búp tươi, cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn chè xanh thương phẩm.
Hướng đi mới cho cây chè Phú Thọ
Hiện nay, ngoài việc quy hoạch các vùng chè an toàn, tỉnh đã xây dựng các mô hình sản xuất chè theo Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” (QSEAP) tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm. Ðây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng.
Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng hiệu quả, phát triển bền vững mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, huy động, lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tập trung phát triển cây chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Dự kiến, kinh phí đầu tư cho phát triển ngành chè khoảng 118 tỷ đồng. Tiếp tục sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm mang lại giá trị cao, nâng thu nhập người sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.
Đồi chè Long Cốc
Nếu có dịp đến thăm Phú Thọ, bạn đừng quên ghé thăm tuyệt tác thiên nhiên – đồi chè Long Cốc với không gian trải dài một màu xanh mướt. Đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn, một trong những điểm tham quan đồi chè đẹp nhất của Phú Thọ. Đứng từ trên cao nhìn xuống, đồi san sát đồi, nằm xếp chồng nhau trông giống hình dáng con rồng xanh khổng lồ. Xã Long Cốc, huyện Tân Sơn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho địa hình, khí hậu thuận lợi để cây chè phát triển.
Với diện tích hơn 600ha, cây chè đã gắn bó với người dân Long Cốc từ bao đời nay. Ai đã từng đặt chân qua mảnh đất này, đều bị thu hút trước vẻ đẹp choáng ngợp, xanh mướt mắt của những đồi chè nằm uốn lượn, quanh co. Với màu xanh đặc trưng và sự trải dài tầng tầng lớp lớp của những nương chè, bất cứ thời điểm nào trong năm, đồi chè Long Cốc cũng mang những vẻ đẹp bình yên và cuốn hút lạ thường.
Đồi chè Long Cốc đẹp nhất là vào sáng sớm. Đó là lúc du khách có thể cảm nhận được sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Khi những tia nắng nhẹ len lỏi qua màn sương còn mờ ảo của buổi sáng mai, ngắm nhìn những cô, những chị đeo sọt trên vai, đôi bàn tay thoăn thoắt hái những búp chè xanh non còn đọng những hạt sương.
Yêu Trà Việt là một diễn đàn chia sẻ các kiến thức văn hóa trà Việt, các địa danh trà quán góp phần mang đến những giá trị tốt đẹp nhất tới cộng đồng yêu trà Việt.
Hãy kết nối với chúng tôi qua:
Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/yeutraviet
Fanpage: https://www.facebook.com/YeutraViet
Youtube: https://www.youtube.com/c/yeutravietOfficial
Tiktok: https://www.tiktok.com/@yeutraviet