Tìm hiểu thông tin chi tiết về những vùng chè Lào Cai

Tại Lào Cao, cây chè được quy hoạch tập trung thành từng vùng trọng điểm, tạo thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Vùng chè Lào Cai có nhiều diện tíchl lớn, và đặc biệt nổi tiếng với rừng chè Shan Tuyết cổ thụ – món quà thiên nhiên quý giá ban tặng người dân Lào Cai.

Vùng chè Mường Khương

Khái quát chung

Lào Cai được thiên nhiên ban tặng cho những dãy núi hùng vĩ như Hoàng Liên Sơn và Phan-xi-păng. Lào Cai hiện có hơn 6.500 ha chè với hơn 8.000 hộ tham gia trồng chè. Mỗi năm, người dân thu về khoảng 250 tỷ đồng từ thu hái chè búp tươi, góp phần ổn định thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Một trong những địa phương có vùng chè hàng hóa lớn nhất tỉnh, liên kết sản xuất ổn định trong thời gian dài là huyện Mường Khương. Diện tích trồng chè tại Mường Khương liên tục được mở rộng qua các năm, từ các xã hạ huyện như Bản Xen, Lùng Vai tới các xã vùng cao như Cao Sơn, La Pan Tẩn, Tả Thàng. Hiện nay, Mường Khương có tới hơn 4.000 ha chè, đây cũng là vùng chè hàng hóa lớn nhất tỉnh.

Vùng chè Mường Khương
 Vùng chè Mường Khương

Ngoài vùng trồng chè công nghiệp, Lào Cai có vùng trà Shan Tuyết cổ thụ lâu năm rất nổi tiếng với nhiều đồi trà, phân bố chủ yếu ở những xã Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ, Bản Liền,…. Xen giữa những đồi trà mọc loang trên sườn núi là các bản làng của người H’Mong, người Dao. Họ là những người đã khai thác và gìn giữ cây trà suốt hàng thế hệ. Trà cùng người dân bản địa chung sống bao đời để tạo thành những dải sắc màu sinh động, góp phần tô điểm cho sự đa dạng về văn hoá, bản sắc.

Chè Shan Tuyết Lào Cai

Cây chè Shan Tuyết không chỉ là một thức uống truyền thống, quý giá của đồng bào vùng cao mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp đời sống bà con thay đổi tích cực theo từng ngày. Những cây chè Shan Tuyết trăm năm tuổi, bám trụ, chắt chiu nguồn dinh dưỡng đại ngàn để tạo ra búp chè ngon hảo hạng. Với người dân nơi đây, cây chè Shan Tuyết chính là “báu vật” mà cha ông để lại, vì thế nhiệm vụ của họ là phải quan tâm, giữ gìn, phát triển cây chè Shan Tuyết trở thành vùng chè đặc sản, góp phần mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân nơi đây.

Nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, khí hậu của Hoàng Thu Phố gần giống với Sa Pa, thời tiết quanh năm mát mẻ, những ngày mưa lạnh, sương mù dày đặc chẳng rõ mặt người. Cũng bởi vì chất đất, khí hậu phù hợp mà chè Shan tuyết ở đây rất ngon, khi pha nước có màu xanh, đậm, thơm và có vị ngọt.

Cây chè Shan Tuyết mọc trên núi cao
Cây chè Shan Tuyết mọc trên núi cao

Theo người dân Hoàng Thu Phố, họ không rõ câu chè Shan Tuyết cổ thụ có từ bao giờ, chỉ được nghe kể về sự tích cây chè cổ thụ rằng một người dân nơi đây lấy được hạt giống chè Shan do những chú khỉ rừng để lại, về sau, họ phát hiện ra búp chè non là phương thuốc quý, vì thế cây chè Shan bắt đầu phát triển tại nơi đây.

Chè Shan tuyết là loại chè quý, không chỉ bởi lợi ích đối với sức khỏe, mà còn bởi sản lượng thu hoạch mỗi năm không nhiều. Đặc biệt, muốn hái búp từ những cây chè cổ thụ, người dân phải bắc thang lên để hái. Cùng với việc cải tạo những gốc chè cổ thụ, chính quyền xã còn hỗ trợ, vận động bà con mở rộng nhân giống trồng chè Shan tuyết, tạo nguồn thu ổn định, cải thiện đời sống người dân.

Hoàng Thu Phố hiện có 10ha trà rừng cổ thụ, với vài nghìn cây, đa phần có tuổi từ 200 – 300 năm. Nhiều cây cao gần 15m, đường kính gốc gần 50cm, thân cây chắc khỏe; tán xòe rộng chịu nắng, chống sương. Từng thân trà phủ các lớp rêu xanh mượt che lấp những đám mốc trắng loang lổ, trên những cành búp non mới chớm ấp đầy sương kết đọng.

Trà Shan Tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ

Tả Củ Tỷ là mootjt rong những vùng chè Lào Cai, nằm chênh vênh giữa những cung đường ngoằn nghèo, khúc khuỷu của huyện Bắc Hà. Tả Củ Tỷ lọt thỏm giữa một bên là cheo leo vách núi, bạc trắng đá vôi chen đầy rễ cây đan kết; một bên là thăm thẳm trời xanh cùng rừng già, nằm ẩn hiện trong sương mờ.

Người dân Tả Củ Tỷ thu hái chè
Người dân Tả Củ Tỷ thu hái chè

Tại Tả Củ Tỷ có hơn 40ha trà rừng, chủ yếu phân bố ở các sườn núi và những dãy đồi đồi lân cận. Cây trà ở Tả Củ Tỷ được khai thác từ lâu đời, theo phương pháp thủ công của người dân bản địa suốt hàng ngàn năm qua, không sử dụng bất kỳ loại phân bón nào. Thân trà có những chỗ lồi lõm do được phát nhánh bởi các đồng bào quanh vùng. Cây trà Shan Tuyết ở đây sinh trưởng giữa muôn ngàn ưu đãi và thử thách của mẹ thiên nhiên, chịu đựng dưới mưa bão khắc nghiệt hằng năm, tắm mình dưới nắng mai, sương sớm, chính vì vị trí đặc biệt ấy mà cây trà đã hấp thụ được tinh hoa của trời đất, tạo nên dư vị đặc biệt lưu luyến trong tâm trí những người đã một lần được nếm thử.

Trà Shan Tuyết Bản Liền

Cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km, xã Bản Liền được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển cây chè. Ngay cả những người cao tuổi nhất ở Bản Liền cũng không biết cây chè Shan tuyết có ở mảnh đất này từ bao giờ. Nhiều gốc chè có tuổi đời hàng trăm năm, mọc cheo leo trên sườn núi dốc. Xã Bản Liền hiện có hơn 500ha chè Shan Tuyết, trong đó có trên 400ha được công nhận chè hữu cơ. Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm Hợp tác xã Chè Bản Liền thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi.

Cây chè đã mang đến sinh kế cho bà con Bản Liền
Cây chè đã mang đến sinh kế cho bà con Bản Liền

Đến nay, để đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, chè Bản Liền được trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến theo đúng 25 tiêu chuẩn quốc tế ngặt nghèo không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Để có thể thu hoạch được chè, người dân địa phương phải leo dần lên ngọn cây, thu hoạch về những búp chè xanh, non đúng lứa. Nếu người dân địa phương vẫn uống lá chè tươi thì sản phẩm bán ra thị trường sẽ được sao khô theo đúng quy cách tại xưởng chế biến của Hợp tác xã Chè Bản Liền.

Trà Shan Tuyết cổ thụ Tả Thàng

Một trong những vùng chè Lào Cai không thể không nhắc đến là ở Thôn vùng cao Sú Dí Phìn, xã Tả Thàng có 41 hộ dân đều là người Mông sinh sống. Mọi nhà đều đang sở hữu những cây chè cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi. Gọi là chè cổ thụ bởi phần lớn gốc và thân cây đều đã rêu mốc, nhiều cây cao tới vài chục mét, cành lá xum xuê, bảng lảng trong sương sớm núi rừng.

Công đoạn thu hái chè ở xã Tả Thàng hết sức độc đáo. Bà con thường lựa lúc rừng núi vẫn đang chìm đắm trong sương sớm để mang gùi đi thu hái. Bởi theo kinh nghiệm truyền dạy của cha ông, đây là thời điểm những cây chè hội tụ hương vị tinh túy của trời đất giao hòa. Toàn xã Tả Thàng hiện có khoảng 15ha chè cổ thụ với hàng trăm cây đã bao năm bám trụ, chắt chiu nguồn dinh dưỡng đại ngàn để tạo ra những búp chè ngon hảo hạng. Vậy nên chè cổ thụ Tả Thàng hiện được tìm mua rất nhiều bởi những đặc tính sinh hóa có lợi cho sức khỏe, quy trình chăm sóc cũng hoàn toàn tự nhiên.

Cây chè Shan Tuyết cổ thụ Tả Thàng
Cây chè Shan Tuyết cổ thụ Tả Thàng

Những cây trà Shan Tuyết cổ thụ lâu năm sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên, tự hấp thụ điều kiện đất đai, khí hậu, khoáng chất, chính điều này là nên chất sạch trong thức uống người dân Lào Cai. Tin rằng với món quà thiên nhiên quý giá ban tặng cho người dân nơi đây là cây chè Shan Tuyết, cùng với sự quan tâm, chăm sóc của chính quyền, người dân, cây chè Shan tại các vùng chè Lào Cai sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai!

Yêu Trà Việt là một diễn đàn chia sẻ các kiến thức văn hóa trà Việt, các địa danh trà quán góp phần mang đến những giá trị tốt đẹp nhất tới cộng đồng yêu trà Việt.

Hãy kết nối với chúng tôi qua:

Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/yeutraviet

Fanpage: https://www.facebook.com/YeutraViet

Youtube: https://www.youtube.com/c/yeutravietOfficial

Tiktok: https://www.tiktok.com/@yeutraviet

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *