Hiện nay Trà Việt đang có chỗ đứng nhất định trên thị trường trà quốc tế, được đông đảo người yêu trà trên thế giới biết đến và yêu thích sử dụng những phẩm trà Việt Nam. Tuy nhiên trong nhiều năm vừa qua, cây chè cổ thụ Việt đang phải đối mặt với nhiều thủ đoạn tinh vi hòng triệt hạ tinh hoa văn hóa trà Việt từ bên kia biên giới. Cùng Yêu trà Việt điểm qua các thông tin để nắm rõ hơn về tình trạng này.
Trên mạng hiện nay tràn lan những bức ảnh được giới buôn trà chia sẻ về thương hiệu trà cổ thụ tên là Cao Cổ Thuần, kèm hình ảnh tấm băng rôn chụp với một gốc trà to – đẹp. Nội dung ghi: Cao Cổ Thuần – Cổ thụ trà viên cơ địa. “Cao Cổ Thuần” là tên công ty sản xuất trà, còn mang nghĩa: Trà cổ thụ núi cao, nguyên sinh, thuần khiết. Cả biểu ngữ dịch ra thành: Đất vườn trà cổ thụ của Cao Cổ Thuần. Trong khi vùng đất ấy, cây trà ấy, chính là ở Túng Sán, H.Hoàng Su Phì của Việt Nam (thanhnien.vn). Gốc trà này có tuổi đời hơn ngàn năm, chính chủ nhân cây trà bà Lý Thị Bằng, dân tộc Dao trắng cho biết “Vườn trà tổ tiên mình để lại, so với các cây trong bản thì nhà mình có nhiều cây to hơn, nhà báo không nói thì không biết họ lên chụp hình cây nhà mình lúc nào đâu”. Những giặc trà dùng mọi thủ đoạn và chiêu trò để nhận vơ cây chè cũng như PR các sản phẩm trà cổ thụ của chúng.
Chúng tìm mọi cách triệt hạ những cây chè có đường kính lớn với trào lưu chặt hạ cây chè cổ thụ bằng cách thu mua gỗ những cây chè được xẻ ván với bề ngang hơn 50cm. Những tấm ván trà này không thể sử dụng được tốt bởi chúng rất mềm, vân gỗ không được đẹp và rất dễ mối mọt. Cách làm này để cho những cây chè cổ thụ Việt Nam chết và hết đi, khi đó họ sẽ đẩy mạnh thương hiệu sở hữu những cây chè lớn nhất thế giới. Hơn nữa, ở nhiều vùng chè nguyên sinh tại Lai Châu nhiều cây chè cổ có đường kính to lớn bị đào gốc, đổ muối khiến cây chết dần. Mục tiêu của giặc trà là nhắm đến những cây có tuổi đời hàng trăm đến nghìn năm, có đường kính lớn.
2 năm gần đây, có nhiều đồn thổi cho rằng trà cổ thụ Hà Giang bị nhiễm chì nặng, uống vào rất hại cho sức khỏe. Bởi Hà Giang là địa phương sở hữu nhiều mỏ quặng từ sắt, mangan, kẽm, thiếc, cao lanh, chì… Tuy nhiên theo tìm hiểu các mỏ quặng thường ở vùng núi thấp, trong khi đó cây chè cổ thụ mọc ở vùng khoáng chất nhiều, độ cao trên 1.500 m, gió nhiều, độ ẩm dày, khí hậu chênh lệch giữa ngày và đêm cao. Theo quy chuẩn của Bộ Y Tế đưa ra trà và các sản phẩm trà có lượng chì phải dưới 2,0 mg/kg. Trong khi đó, theo kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện, hàm lượng chì trong trà Hà Giang chỉ từ 0,18 mg/kg trở xuống. Các hàm lượng kim loại độc hại khác như asen, thủy ngân theo quy định kỹ thuật là 1,0 mg/kg, các kết quả kiểm nghiệm chỉ ở mức 0,024 (asen) và 0,004 (thủy ngân) (thanhnien.vn). Những thông tin trà Hà Giang nhiễm độc chì là hoàn toàn không chính xác, gây mất uy tín cho trà Việt, tạo điều kiện cho các thương lái bên kia biên giới thu mua trà chất lượng cao với giá rẻ mạt.
Là địa bàn vùng núi giáp biên giới nên việc giao thương khá thuận lợi, nhiều đơn vị làm trà của Trung Quốc tìm tới Việt Nam thuê nhà xưởng để làm những phẩm trà kém chất lượng. Công đoạn thô sơ dừng lại ở mức sơ chế tạo ra thành phẩm ở dưới mức phổ thông từ những nguyên liệu chè quý hiếm. Khách mua chỉ có người Trung Quốc, họ sang Việt Nam thuê xưởng theo thời vụ và không triển hết các kỹ thuật làm trà bởi sợ thợ trà học hết kinh nghiệm. Còn các thợ trà sang đánh thuê, nguyên liệu ngon chỉ cần sơ chế, vừa dễ vận chuyển, vừa để người Việt khi pha uống thấy trà mình chẳng có gì hay, lại là cơ hội cho thương lái ép giá nguyên liệu, gom với giá rẻ. Về bên kia biên giới, họ sẽ xử lý và nâng thành cực phẩm, bởi ở đó, chỉ cần nghe trà hái từ vùng nguyên liệu trên 100 năm tuổi, giá đã ở mức trên trời. Thí dụ, trà cổ thụ mua từ VN, nhất là dòng trà phơi, ở mức 70.000 – 350.000 đồng/kg khi đã qua sơ chế, thậm chí là thành phẩm, nhưng cùng loại cây cổ thụ, giá ở thị trường Trung Quốc nhẹ phải trên 20 triệu đồng mà không dễ mua được đúng nguồn (thanhnien.vn).
Trong những năm gần đây, giống trà măng được phát hiện nhiều ở Việt Nam. Theo thần trà Lục Vũ trong cuốn Trà Kinh từ thời Đường thì đây là một loại trà quý, trà thượng phẩm. Trong thời điểm cuối năm 2021, tại Hà Giang có nhiều đối tượng được thuê đi sâu vào rừng tìm những cây trà măng, đào gốc lên mang đi bán, nhưng cây trà có đường kính hơn 20cm chỉ có giá 800.000 đồng/ cây. Đây là một trong những thủ đoạn diệt tận gốc những cây trà quý của người Việt.
Có thể thấy rằng, Trà Việt chất lượng cao nhưng chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường bởi không chỉ do các thế lực sử dụng nhiều chiêu trò bẩn mà cũng chính từ nhận thức của người dân địa phương và người sử dụng trà. Hiện nay, việc nâng cao nhận thức và tuyên truyền cho người dân tầm quan trọng trong việc bảo vệ cây chè Shan tuyết cổ thụ – nguồn tài sản quý giá của dân tộc là điều vô cùng cần thiết. Các cấp chính quyền cũng cần phải đưa ra những quy định cứng rắn để bảo tồn tài sản vô giá này. Yêu trà Việt sẽ tiếp tục ủng hộ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ cây chè mang lại.
Cộng đồng Yêu trà Việt được hình thành và phát triển với mong muốn là Nơi tôn vinh thương hiệu trà Việt, Nghệ nhân trà Việt, Các vùng trà Việt Nam, Các tour trải nghiệm về Trà, Những quyển sách trà hay, Những kiến thức về Trà, Các địa danh trà quán trên cả nước. Qua đó, Quý trà hữu có thể lựa chọn được các sản phẩm trà An Toàn để sử dụng, tìm được các nơi thưởng trà để đàm đạo, đọc được những cuốn sách hay về Trà. Đặc biệt giao lưu kết nối thêm nhiều bạn trà để cuộc sống thêm nhiều giá trị.
Hãy kết nối với chúng tôi qua:
Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/yeutraviet
Fanpage: https://www.facebook.com/YeutraViet
Youtube: https://www.youtube.com/c/yeutravietOfficial
Tiktok: https://www.tiktok.com/@yeutraviet