Tết Nhâm Dần đang gõ cửa từng nhà, mùa Xuân đã len lỏi trong từng ngóc ngách trên dải đất hình chữ S. Đây là dịp lễ ý nghĩa nhất trong năm, là ngày gia đình đoàn tụ sum họp, là cơ hội để bạn bè gặp mặt và dành cho nhau những lời chúc tâm tình. Vào giây phút này không thể thiếu sắc hoa và những chén trà ngày xuân. Thưởng trà là một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến Xuân về của người Việt. Cùng Yêu trà Việt tìm hiểu văn hóa thưởng trà ngày Tết của người Việt dưới bài viết sau.
Không biết từ bao giờ mà trà đã đi sâu vào tiềm thức người Việt một cách tự nhiên và tĩnh lặng. Dẫu có những thay đổi qua từng thời kỳ, dẫu thức uống đã hiện đại và công nghiệp phổ biến hơn nhưng trà vẫn là trà, vẫn là thức uống mang những nét truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt. Văn hóa ấy càng thể hiện rõ nét mỗi độ ngày Xuân, một thú vui tao nhã của gia đình người Việt. Ngày xưa, khách đến nhà thì “miếng trầu là đầu câu chuyện” ngày nay, chén trà như thay lời muốn nói và bắt đầu cho những câu chuyện trong năm vừa qua. Bên ấm trà thơm càng làm cho con người ta gần gũi ấm áp hơn trong cái thời tiết se lạnh của mùa Đông, đặc biệt là những lời chúc tốt đẹp và ý nghĩa cho một năm mới tốt lành, bình an. Đôi khi người ta đợi đến Tết chỉ để về được đoàn viên bên gia đình, hàn huyên những câu chuyện xưa cũ.
Theo cụ Đỗ Văn Toàn – nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên: Người dân Việt Nam coi việc uống trà cũng là một ứng xử văn hóa quan trọng và biểu hiện sự trân trọng, hiếu lễ và mến khách. Ngày Tết, uống trà là một cách để giao hòa với trời đất thiên nhiên vào ngày xuân mới, nên nhà nhà thường ưu ái chọn loại trà ngon nhất để mời khách mừng xuân mới.
Cách thưởng trà của người Việt cũng không cầu kỳ, kiểu cách như trà đạo Nhật Bản, không nghệ thật như trà Kinh Trung Quốc, cũng không quá kiểu cách như trà phương Tây. Văn hóa trà Việt dung dị, đơn sơ mà đầy tinh tế. Những ngày tết càng đặc biệt hơn, trà không chỉ giúp ta hòa vị của bánh mứt vừa làm dịu đi vị ngọt vừa mang lại hương vị nhàn nhạt nhưng thâm sâu trong cuống họng. Uống trà vào mỗi dịp Tết còn rất có lợi cho sức khỏe, phòng chống được một số bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường… làm đẹp cho chị em phụ nữ như chống lão hóa, đẹp da… và vì thưởng trà đã trở thành một nét văn hóa trong nền văn hóa đa dạng của người Việt. Ngày Tết người ta mang biếu nhau những gói trà, không quá xa xỉ nhưng đầy sự trân trọng và yêu mến tới những người trân quý.
Xuân đang về, phố phường càng rộn ràng náo nức chờ Xuân, nhiều hoạt động trải nghiệm giới thiệu Tết đến người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam diễn ra ở nhiều làng cổ của Việt Nam. Không thể thiếu những tách trà nóng cùng các sản vật văn hóa của người Việt. Như muốn nói những sản vật này không thể thiếu trong văn hóa tết cổ truyền của người dân Việt Nam, dù đi muôn phương tứ xứ cũng sẽ vẫn nhớ về cái Tết đầm ấm mà ý nghĩa của người Việt.
Đừng quên thưởng thức những chén trà thơm cùng người thân, bạn bè để tận hưởng một mùa Xuân bình an hạnh phúc, ngập tràn khắp muôn nơi.
Yêu Trà Việt là một diễn đàn chia sẻ các kiến thức văn hóa trà Việt, các địa danh trà quán góp phần mang đến những giá trị tốt đẹp nhất tới cộng đồng yêu trà Việt.
Hãy kết nối với chúng tôi qua:
Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/yeutraviet
Fanpage: https://www.facebook.com/YeutraViet
Youtube: https://www.youtube.com/c/yeutravietOfficial
Tiktok: https://www.tiktok.com/@yeutraviet