Khởi nghiệp trên vùng đất quê hương của cử nhân Báo Chí

Tiếp tục những câu chuyện khởi nghiệp với trà đầy ý nghĩa, Yêu Trà Việt xin gửi đến Quý trà hữu câu chuyện về “Chàng trai 9x Cất bằng cử nhân báo chí về quê làm “Trà của thanh xuân” bởi đó là tâm huyết, công sức những tháng ngày tuổi trẻ của Hải với ước mong giữ gìn và nâng tầm đặc sản trà của quê hương.
Chàng cử nhân Báo Chí về quê hương Thái Nguyên khởi nghiệp với trà
Chàng cử nhân Báo Chí về quê hương Thái Nguyên khởi nghiệp với trà

Quyết định rời Thủ Đô về quê lập nghiệp 

Tháng 8/2015, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng cử nhân báo chí Lê Sơn Hải (sinh năm 1992) quyết định rời Thủ đô về quê khởi nghiệp trên đồi chè rộng hơn 1ha của gia đình.
Sinh ra và lớn lên ở làng nghề làm chè thuộc xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên. Vùng chè đặc sản này đã nuôi sống biết bao người dân ở đây và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình Hải.
Ngay từ khi lên 6 tuổi, Hải đã theo mẹ lên đồi hái chè, được dạy cách trân quý những giá trị mà cây chè mang lại. Chè không chỉ là nguồn thu nhập của gia đình mà còn là nghề truyền thống được mọi người trân trọng.
“Quyết định quay về quê làm chè mình đã ý thức được phải là chè hữu cơ, từ khâu trồng chè, chăm bón, thu hái, sao và thành phẩm đều được làm theo quy trình khép kín. Đồi chè rộng hơn 1 ha được bón phân hữu cơ 100%”, chàng trai đất chè quả quyết.
Hải lên kế hoạch cải tạo, nuôi dưỡng đất trồng chè, anh đi khắp làng mua phân chuồng về ủ hoai mục để bón cho đất. Hải trồng xen canh chè với các loại hoa như: hoa hồng, cúc chi, hoa nhài để lấy nguyên liệu ướp chè.
Chàng cử nhân Báo Chí về quê hương Thái Nguyên khởi nghiệp với trà
Chàng cử nhân Báo Chí về quê hương Thái Nguyên khởi nghiệp với trà
Phân để bón chè được làm từ đỗ tương và phân chuồng ủ mục trong 6 tháng. Hải thay thế thuốc trừ sâu bệnh bằng hỗn hợp rượu, gừng tỏi, ớt ngâm. Tất cả những loại phân bón, thuốc phun đều là các sản phẩm có sẵn trong thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Không chỉ làm trà mộc, Hải học các bí quyết từ những nghệ nhân làm trà sen nổi tiếng ở Tây Hồ (Hà Nội) để kết hợp với trà ở quê nhà, tạo ra dòng trà sen hảo hạng. Chàng trai 9X còn mang giống sen bách diệp, quan âm từ Hà Nội về quê trồng.

Làm trà là làm thức quà tinh hoa của trời đất ban tặng

Để đảm bảo chất lượng của chè đúng như tâm huyết, Hải không thuê người làm trong các khâu ướp trà mà tự tay làm. 9X cũng tự bón phân làm cỏ cho đồi chè và đầm sen của gia đình. Chỉ duy nhất công việc hái chè Hải thuê người dân trong làng làm.
Hải cho biết, để ướp trà sen ngon nhất phải là giống sen bách diệp và quan âm, 2 giống sen này cho hương vị ấn tượng. 9X cũng ướp trà theo 2 cách: Ướp xổi và ướp khô.
“Với trà sen ướp xổi, mình sẽ mang chè ra đầm và cho vào bông sen nhưng chỉ được làm khi thời tiết có sương đêm để giữ được tinh hoa giữa sen, trà và sương đêm. Ướp trà qua đêm và thu ngay sáng sớm tinh mơ ngày hôm sau, khi trời nhá nhem chưa sáng hẳn, ong chưa đi lấy mật, trà đã quyện hương sen”, Hải cho biết.
Cách ướp trà đặc biệt mà Hải đang làm để tạo ra đặc trưng cho các sản phẩm của mình
Cách ướp trà đặc biệt mà Hải đang làm để tạo ra đặc trưng cho các sản phẩm của mình
Còn với ướp khô bằng gạo sen, Hải cũng phải ra đầm hái sen từ 4 giờ sáng, chỉ thu những bông mới chớm hé nở miệng sáo. Trà ướp cũng phải là loại trà mới, chưa lên hương và xốp để khi ướp sẽ thẩm thấu hương sen tốt nhất.
Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen còn ngan ngát.
Ngoài trà mộc, trà sen, Hải còn làm cả trà ướp hoa bưởi, trà nhài. 9X Thái Nguyên cho biết, tùy theo thời tiết mà hái hoa nhài. Nếu trời âm u thì sẽ hái hoa buổi chiều, nếu trời trăng sao thì lại hái nhài vào buổi tối vì khi ấy hoa nhài nở cho hương thơm tuyệt nhất. Sau khi hái về, khoảng 9 -10 giờ tối, Hải bắt đầu ướp trà nhài.
Bí quyết để trà ngon và mang hương vị đặc biệt theo Hải nằm ở trong chính cái tâm làm nghề: “Làm trà là làm thức quà tinh hoa của trời đất ban tặng, nên người làm trà chân chính cần tỉ mỉ trong tất cả các khâu, không được vội vàng”.
Chàng trai chia sẻ những kiến thức ướp trà của mình
Chàng trai chia sẻ những kiến thức ướp trà của mình

Đưa trà ra thị trường

Hải cũng tiết lộ 1 nguyên tắc bán hàng của anh trong suốt 6 năm làm trà: “Tôi không bán cho ai quá 1kg trà, quà quý nên để nhiều người được thưởng thức”.
Bất cứ ngành nghề nào cũng đều có khó khăn và vất vả riêng. Cái khó khăn của nghề làm trà hữu cơ chính là vốn đầu tư lớn, luôn phải theo dõi và kiểm soát sâu bệnh cũng như tạo ra những sản phẩm trà mới để phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Những sản phẩm được đông đảo người yêu thích trà tin dùng
Những sản phẩm được đông đảo người yêu thích trà tin dùng
Theo thời gian, các sản phẩm trà hữu cơ của Hải dần được biết tới nhiều hơn, nhiều người còn mua trà của anh để xách tay sang Nhật, Mỹ, Đức, Canada để làm quà.
“Khi lựa chọn theo nghề truyền thống của gia đình, tôi thấy mình nhận ra được nhiều bài học về sự kiên trì, tính nhẫn nại. Cái tôi tiếc nhất đó chính là thời gian trôi quá nhanh mà có khi mình chưa kịp thực hiện những ý tưởng mới”, 9X trải lòng.
9X ví von các sản phẩm mà anh làm ra là “Trà của thanh xuân” bởi đó là tâm huyết, công sức những tháng ngày tuổi trẻ của Hải với ước mong giữ gìn và nâng tầm đặc sản trà của quê hương.
Hy vọng câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai còn rất trẻ này sẽ truyền cảm hứng đến những người đã đang và có mong muốn làm Trà, khởi nghiệp với Trà, để thấy được những khó khăn vất vả để có thể ra được một phẩm trà ngon và AN TOÀN, đó cũng là tiêu chí mà Yêu_trà_Việt hướng tới cùng cộng đồng.

 

(Theo: Dantri)

Yêu Trà Việt là một diễn đàn chia sẻ các kiến thức văn hóa trà Việt, các địa danh trà quán góp phần mang đến những giá trị tốt đẹp nhất tới cộng đồng yêu trà Việt.

Hãy kết nối với chúng tôi qua:

 

Tìm hiểu thêm câu chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ khác: https://yeutraviet.vn/cau-chuyen-khoi-nghiep-cua-chang-ky-su-9x/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *