Yêu trà Việt rất vinh dự là Cộng đồng Trà được đồng hành và lan tỏa sự kiện cùng Hiệp hội Chè Việt Nam, Công ty cổ phần Từ Văn, Công ty Cổ phần Văn hóa Việt nhằm lan tỏa chuỗi sự kiện tại Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam nói chung và các hoạt động quảng bá giới thiệu các sản phẩm trà Việt, Đơn vị sản xuất Trà Việt, Nghệ Nhân làm trà, pha trà Việt, Văn hóa trà Việt nói riêng đến đông đảo du khách, công chúng từ đó từng bước góp phần gìn giữ, tiếp nối và phát triển Trà Việt bền vững.
Tham gia không gian văn hoá Trà Việt có các đơn vị đại diện như Thương hiệu Trà Việt Tú – Trà hữu cơ vùng biển, Thương hiệu Hacoocha về các sản phẩm trà Shan tuyết Hà Giang, Thương hiệu Đông Lai Trà với các dòng trà dệt hương. Thương hiệu Trà Nhật Thức đến từ vùng chè Tân Cương Thái Nguyên. Thương hiệu trà Từ Văn, Việt Link Tea. Nghệ Nhân văn hoá ẩm thực trà Nguyễn Cao Sơn. Thương hiệu trà cụ Việt An Thổ Túc.
Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 được tổ chức với mục đích nhằm bảo tồn, gìn giữ, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong làng nghề, khơi dậy tình yêu các nghề truyền thống của thế hệ trẻ, qua đó thu hút lực lượng lao động trẻ, có trình độ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề; kiến tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về thiết kế mẫu mã, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng làng nghề của Việt Nam với các nước trên thế giới, trong đó có Trà Việt. Do đó bên cạnh gần 300 gian hàng trưng bày tại sự kiện là một không gian đặc biệt mang tên “Không gian văn hóa Trà Việt” là điểm dừng chân với nhiều hoạt động nhằm kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa trà Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 cho nhiều nghệ nhân tiêu biểu
Tối 9/11 Lễ khai mạc sự kiện Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 đã diễn ra long trọng tại Hoàng Thành Thăng Long; bên cạnh các hoạt động thăm quan các gian hàng, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu đã đến trải nghiệm Không gian văn hóa Trà Việt, thưởng thức trà Việt.
Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ thưởng thức sản phẩm Trà Việt Tú tại Không gian văn hóa Trà Việt
Sáng 10/11 Không gian Văn hóa Trà Việt tổ chức Lễ dâng trà vào điện Kính Thiên, đây là nghi thức quan trọng mở màn cho sự kiện. Lễ dâng trà không chỉ mang ý nghĩa thành kính mà còn thể hiện lòng biết ơn đối với công lao của tổ tiên đã hình thành và tạo nên những giá trị Việt. Đồng thời, lễ dâng trà cũng đóng vai trò như một cầu nối tạo sự gắn kết và hòa hợp trong cộng đồng. Lễ dâng trà để tưởng nhớ đến công lao tổ tiên nói chung và lễ dâng trà tại Điện Kính Thiên nói riêng là một phong tục truyền thống của người Việt mang ý nghĩa sâu sắc và đóng vai trò quan trọng trong văn hóa tôn giáo và tín ngưỡng của người Việt. Nam.
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nơi ghi dấu lịch sử nghìn năm, hội tụ hồn thiêng sông núi, tinh hoa văn hóa dân tộc, nơi các triều đại kế tiếp nhau mở mang nghiệp nước, xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc, bồi đắp truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời của dân tộc, lưu truyền đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay.
Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 thời Lê, trên nền Điện Càn Nguyên thời Lý, Điện Thiên An thời Lý – Trần. Đến thời Nguyễn, Vua Gia Long cho xây dựng một tòa thành mới; Điện Kính Thiên thời Lê vẫn là trung tâm của khu Hành cung thời Nguyễn, mặc dù quy mô đã thu hẹp hơn trước.
Sau buổi dâng trà là sự kiện trà đàm Nghệ thuật trà cụ trong văn hóa trà Việt với sự chia sẻ đến từ thương hiệu An Thổ Túc.
Trong nghệ thuật thưởng trà Việt, bên cạnh trà ngon, cách pha trà điệu nghệ, thì dụng cụ pha trà cũng là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của nghệ thuật tinh tế này. Món trà cụ đầu tiên phải có chính là ấm pha trà, chén uống trà. Ấm An Thổ Túc được chế tác từ loại đất quý được khai thác từ vùng núi Tràng An, Ninh Bình. Để làm ra loại ấm này, anh đã phải nghiên cứu rất kỹ về các loại đất. Vì ấm An Thổ Túc đòi hỏi đất phải thật sự tinh sạch. Đất được khai thác ở tầng đất sâu, có sự kết tinh từ các loại khoáng kim loại quý: Cao lanh, đất sét và phù sa mà đất ở Bát Tràng hiện nay không có. Sau khi khai thác, đất sẽ được phơi ủ 5-7 năm để các tạp chất và khí dơ trong đất được khử hoàn toàn tạo ra một loại đất sạch. Khi đất được làm sạch và ủ chín, các thợ lành nghề sẽ mang đất đi lọc kỹ và nghiền liên tục trong 72 giờ (thời gian nghiền đất gấp 3 lần so với các loại đất làm ấm thông thường). Với quá trình liên tục và thời gian lâu như vậy tạo cho đất đủ độ mịn, khi đưa vào chế tác sẽ làm cho ấm được bóng, mịn đẹp…Buổi chia sẻ đã giúp cho người yêu trà hiểu hơn về hành trình An Thổ Túc nói riêng và các thương hiệu Ấm chén trà cụ Việt nói chung đang từng bước đào sâu tìm tòi phát huy những giá trị cha ông để cho ra những sản phẩm trà cụ phù hợp với con người và văn hóa thưởng trà của Việt Nam.
Buổi tối 10/11, Yêu trà Việt vinh dự khi được chủ trì buổi chia sẻ về Kết Nối Lan tỏa giá trị trà Việt. Trong đó làm thế nào để chúng ta truyền thông đến người yêu trà biết được những yếu tố tự hào Trà Việt. Các diễn giả trong chương trình đã chia sẻ rất nhiều những yếu tố để người Yêu trà Việt có thể tự hào về trà Việt như: Việt Nam chúng ta có một nền văn hóa lịch sử lâu đời về dùng trà, thưởng trà. Việt Nam là một trong những cái nôi của Trà. Việt Nam có vùng nguyên liệu trà thật sự quý hiếm với hơn 18.000 ha cây chè shan tuyết cổ thụ. Tuy mặt bằng chung về công nghệ chế biến của chúng ta chưa đạt được sự đồng đều nhưng Việt Nam cũng có rất nhiều các sản phẩm trà đoạt các giải vàng, giải bạc của các cuộc thi trà trên thế giới. Tất cả những điều này đã tạo nên những giá trị của Trà Việt. Tại buổi tọa đàm, Ông Kiều Phúc Quý, trưởng ban quản trị cộng đồng Yêu trà Việt chia sẻ tâm huyết khi xây dựng cộng đồng đó là “Trà Việt xứng đáng có một sân chơi riêng để quảng bá”. Cam kết của Yêu trà Việt trong các hoạt động phổ cập kiến thức về trà qua các lớp học trà, các hoạt động quảng bá, xúc tiến nâng cao vị thế trà Việt, các hoạt động bảo tồn vùng chè bền vững.
Ông Kiều Phúc Quý – Trưởng ban quản trị cộng đồng chụp ảnh lưu niệm cùng Ông Hoàng Vĩnh Long – Tổng thư ký Hiệp Hội Chè Việt Nam, Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Biên Tập tạp chí Kinh Tế & Đồ Uống và các đơn vị tham gia sự kiện.
Một số hoạt động và hình ảnh kết nối lan tỏa tại sự kiện: