Câu chuyện trà Oolong tại Mộc Châu mà bạn chưa biết
Cùng Yêu trà Việt tìm hiểu câu chuyện về trà Oolong tại Mộc Châu từ một người trồng chè đầy tâm huyết mang trong mình tình yêu cây chè quê hương và phát triển dịch vụ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho mọi người đến tham quan du lịch.
Ông Nguyễn Phú Hậu (thứ hai từ trái qua) hướng dẫn du khách trải nghiệm quá trình sản xuất trà oolong chất lượng cao của Mộc Sương. Người đã cất công sang Đài Loan học trồng trà, chế biến trà rồi mang giống trà oolong xanh về trồng ở Mộc Châu, để rồi gây dựng thương hiệu trà Mộc Sương nổi tiếng
Người đi châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(Tây Tiến, Quang Dũng)
Mấy câu thơ ấy kéo tôi lên Mộc Châu. Bảy giờ sáng, núi đồi vẫn mịt mù sương. Mây trắng lững lờ vờn núi. Trà xanh lượn sóng dưới nắng mai. Những chóp nón, những chiếc lưng cong cần mẫn trên nương trà như điểm nhấn khiến bức tranh trở nên ấm áp.
Trà là hồn cốt của Mộc Châu
Cây trà đã gắn bó với người Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh ở cao nguyên Mộc Châu từ nhiều đời nay. Cây trà shan tuyết mọc thành rừng ở xã Tô Múa, có cây ước đến 300 tuổi.
Mộc Châu nằm ở độ cao 1.250 mét so với mực nước biển, mùa hè mát rượi nhưng thiếu nước, sang đông sương phủ suốt ba tháng trời. Nhiều sương mù, đêm lạnh nên cây trà chậm phát triển. Bù lại, nội chất của trà lại nhiều. Mùa thu, mùa đông, cây trà trải qua những ngày lạnh giá của sương muối nên vị càng đậm đà.
Nói không ngoa, sương chính là hồn cốt của trà Mộc Châu vậy. Đất ở đây là loại đất đỏ vàng trên đá sét biến chất, đất đỏ nâu phát triển trên đá vôi, đất nâu đỏ trên đá magma bazo và trung tính, đất vàng đỏ trên đá magma acid, đất mùn vàng đỏ trên đá sét biến chất, tầng dày đất trên 70 cen ti mét, độ dốc nhỏ hơn 25 độ, đất đầy đủ đạm, lân, kali và canxi.
Với đặc điểm này, búp trà shan tuyết Mộc Châu tích lũy hương thơm mạnh, hàm lượng tanin, chất hòa tan trong búp trà cao. Cánh trà màu đen hơi nâu, có nhiều tuyết trắng hơi ngả vàng, hương thơm mạnh đặc trưng, vị đậm dịu hài hòa, hậu ngọt.
Người Pháp phát hiện trà ở Mộc Châu từ đầu thế kỷ 19. Họ nghiên cứu thấy cây trà Mộc Châu có sản lượng cao, khả năng chống hạn, chống rét và kháng sâu bệnh tốt. Đây là loại trà có tỷ lệ đường, cafein nhiều hơn so với các vùng khác. Chính vì vậy, họ đã lập đồn điền và nhà máy để trồng và sản xuất lớn. Sau đó, Chính phủ Việt Nam tiếp quản và tiếp tục sản xuất.
Năm 1958, Trung đoàn 280, Sư đoàn 335 hoàn thành nghĩa vụ tình nguyện ở Lào về mở nông trường quốc doanh Mộc Châu chuyên trồng và chế biến trà. Cũng chính vì chất lượng trà shan tuyết Mộc Châu tốt nên ông R. du Pasquier, kỹ sư nông nghiệp người Pháp, lấy giống trà shan tuyết cổ thụ ở bản Chờ Lồng, thị trấn Nông trường Mộc Châu để mang sang Ceylon (từ năm 1972 đổi tên là Sri Lanka) nhân giống.
Trà shan tuyết Chờ Lồng hiện là một trong ba giống trà chủ lực của Sri Lanka và là thương hiệu nổi tiếng, một mặt hàng có thị trường ổn định ở nhiều nước châu Âu. Còn ở bản Chờ Lồng hiện còn hơn 500 cây trà shan tuyết hơn 200 tuổi.
Trồng trà không dùng thuốc trừ sâu
Ông Nguyễn Phú Hậu, Giám đốc điều hành Công ty chè Mộc Sương, ở tiểu khu 34, xã Tân Lập, là một trong những người hiểu đất Mộc Châu đến từng chân tơ kẽ tóc và cũng là người làm trà nổi tiếng ở đất này. Ông Hậu cho biết giống trà oolong thanh tâm, thúy ngọc của doanh nghiệp được nhập từ Đài Loan, trồng trên diện tích 30 héc ta, chăm sóc theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu. Trà được chăm sóc cầu kỳ, cẩn thận.
Đậu nành, lõi bắp, cá khô, phân bò… được ủ cho hoai mục thành phân hữu cơ để bón cho cây trà. Quy trình chăm sóc cây trà hết sức cẩn trọng, được ghi chép chi tiết. Độc đáo ở chỗ, một năm công ty đốn trà bốn lần để diệt trứng rầy xanh. Cành, lá trà đốn xuống được rải luôn dưới luống trà vừa để che phủ đất giữ độ ẩm vừa để khi mục thì làm phân hữu cơ bón trà. Ông Hậu cho biết: “Chúng tôi chỉ hái 70% diện tích trà để chế biến, 30% còn lại để cho con rầy xanh ăn, khi nó đẻ trứng vào lá trà thì phun nước lên để diệt trứng rầy. Làm như thế sẽ tốn một lượng trà nhưng bù lại, không phải dùng thuốc trừ sâu”.
Làm trà hữu cơ công phu, làm tới đâu xuất khẩu tới đó
Để cho cây trà khỏe, mỗi năm công ty chỉ thu hoạch bốn lứa, mỗi lứa 20 tấn trà búp tươi. Mùa xuân và mùa đông, họ sản xuất trà oolong xanh, mùa hè và mùa thu thì họ sản xuất trà oolong đỏ, trà đông phương mỹ nhân, trà quý phi. Nếu như trà xanh chỉ cần làm héo, sao, vò để tạo ra thành phẩm trà thì trà oolong cầu kỳ hơn, nhiều công đoạn hơn.
Bắt đầu từ lúc thu hoạch các búp trà được hái theo tiêu chuẩn một tôm ba lá (một búp và ba lá kế tiếp), sau đó được phơi héo dưới ánh nắng mặt trời có mái che, tiếp theo những búp trà được đưa vào phòng lạnh trải qua giai đoạn héo mát rồi oxy hóa – lên men, xào, tạo hình, sấy khô, cuối cùng là tách cọng và đóng gói. Trong đó, khâu lên men đòi hỏi sự tỉ mỉ, công kỹ.
Đây là một quá trình kích thích để enzyme xúc tác quá trình tự biến đổi phân giải các hợp chất trong trà, tạo thành hương thơm đặc trưng sau này của trà oolong. Trà oolong được hái từ đồng về được làm héo để giảm bớt hơi nước, rút dần chất chát đắng trong trà, kích thích quá trình lên men (oxy hóa), sau đó xào diệt men khi đạt mức độ lên men phù hợp.
Trà oolong được chế biến bằng dây chuyền máy móc hiện đại của Đài Loan, suốt 48 giờ mới được một mẻ. Trung bình 5 ki lô gam trà tươi cho ra 1 ki lô gam thành phẩm. Mỗi công đoạn chế biến đều phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt cả về nhiệt độ lẫn thời gian. Chính vì thế nên trà oolong uống không đắng chát, không cồn ruột, không mất ngủ, trà có vị ngọt thanh, thơm hương của hoa, quả, sữa…
“Mộc Châu có nhiều sương mù, đêm lạnh nên cây trà chậm phát triển. Bù lại, nội chất của trà lại nhiều. Lá trà mùa xuân mỏng, không trải qua những ngày lạnh giá của sương muối nên vị nhạt hơn trà mùa thu, đông. Trà oolong thanh tâm có mùi hương của bảy loại hoa. Oolong kim tuyên thì có mùi sữa. Thanh tâm ngon, thơm hơn, nhưng cũng phải tùy khẩu vị của từng người,” ông Hậu nói. Trà oolong Mộc Sương được trồng hữu cơ, chế biến tốt nên đạt chất lượng cao, hầu như làm ra bao nhiêu xuất khẩu sang Nhật Bản hết bấy nhiêu.
Nhớ ngày oolong bén rễ Mộc Châu
Ngồi uống trà oolong bên đồi trà hữu cơ tuyệt đẹp của ông Hậu, câu chuyện của chúng tôi lại dần quay về chuyện cây trà oolong bén rễ trên đất này.
Hiện nay Việt Nam đã có gần 300 giống trà từ các nguồn giống bản địa, nhập nội và lai tạo. Trong số đó, trà oolong là giống cảnh vẻ nhất, trồng đã khó mà chế biến lại kỳ công. Cây trà oolong có mặt đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1992 ở Xí nghiệp quốc doanh chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).
Chuyện mang được cây giống trà oolong về Việt Nam lúc đó hấp dẫn như truyện trinh thám. Ông Lâm Tư Quang (Ba Toàn), Giám đốc xí nghiệp thời điểm đó, nhớ lại: “Thời điểm đó, Trung Quốc, Đài Loan cấm xuất khẩu giống trà oolong để bảo đảm độc quyền. Tôi sang đó công tác nhiều lần, thấy những nơi họ trồng trà oolong có điều kiện thổ nhưỡng khí hậu rất giống Bảo Lộc.
Tôi suy nghĩ ngày đêm để làm sao mang được giống trà oolong về trồng. Kẹt nỗi họ cấm xuất khẩu giống cây. Phải đến cả năm trời tôi mới nghĩ ra cách lách bằng việc khai nhập cây cảnh. Đêm 24-12-1990, những cây trà oolong đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM rồi được đưa thẳng lên đồn điền của Cầu Tre ở huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để hạ thổ. Hợp đất hợp người, năm 1992 chúng bắt đầu được nhân rộng”.
Để cây trà oolong bén rễ trên đất Mộc Châu thì không đến mức trần ai đến thế nhưng cũng chẳng phải dễ dàng gì. Ông Hậu nhớ lại: “Năm 2005, chúng tôi khởi sự thương hiệu Mộc Sương bằng việc trồng 20 héc ta trà oolong mang từ Đài Loan về. Ngày đó, vùng đất Mộc Châu đầy tiềm năng và khí hậu phù hợp nhưng chưa ai trồng cây trà oolong giá trị cao để xuất khẩu.
Trăn trở và tâm huyết, tôi sang Đài Loan học trồng trà, chế biến trà và đem giống oolong xanh về. Những khó khăn ngày đầu ở vùng đất cao 1.250 mét so với mực nước biển, mùa hè mát rượi nhưng thiếu nước, sang đông sương phủ suốt ba tháng trời này đã không cản nổi quyết tâm của chúng tôi để làm ra một sản phẩm trà oolong Mộc Châu. Năm 2010, sản phẩm trà oolong thanh tâm và oolong thúy ngọc ra đời với chất lượng không thua kém gì trà tại Đài Loan. Sản phẩm nhanh chóng được mọi người đón nhận”.
Điểm du lịch nông nghiệp lý thú
Không chỉ sản xuất trà ngon, công ty Mộc Sương còn là một điểm đến không thể thiếu của du khách khi trải nghiệm tour du lịch nông nghiệp ở Mộc Châu. Từ thị trấn Nông trường Mộc châu đi 15 ki lô mét vào xã Tân Lập, ta sẽ thấy hai bên đường những rừng mận, đồi trà xanh ngắt cứ uốn lượn như sóng trào. Công ty chè Mộc Sương, điểm du lịch nông nghiệp mới và hấp dẫn, nằm giữa con đường thơ mộng ấy.
Ông Nguyễn Kỳ Sương, Giám đốc Công ty TNHH chè Mộc Sương, vừa dẫn tôi đi trải nghiệm văn hóa trà vừa chia sẻ: “Ý tưởng làm du lịch nông nghiệp đã ấp ủ trong tôi từ rất lâu, bởi khi thành lập công ty, có rất nhiều du khách đến tham quan đồi trà, tìm hiểu quy trình chế biến trà oolong và thưởng thức hương vị trà oolong… Ban đầu chúng tôi mở cửa miễn phí mời khách vào tham quan 30 héc ta trang trại mênh mông trà và các loại cây ăn quả khác.
Khách đến luôn được các nghệ nhân trà long trọng đón tiếp, đưa đi tham quan quá trình chế biến trà, thưởng thức loại trà oolong giá hàng triệu đồng/ki lô gam. Quá nhiều niềm vui và sự hài lòng, nhiều người ngỏ ý muốn có một nơi nghỉ lại qua đêm tại đây, để tận hưởng khí hậu trong lành tuyệt vời, để ngắm những bình minh biển mây phủ dưới chân đồi hay trải nghiệm làm trà, câu cá, hái quả, ngắm hoa…
Tôi nghĩ, sao không làm nông nghiệp gắn với du lịch vừa phục vụ khách, vừa tăng nguồn thu cho công ty và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Sau khi bàn bạc với ban giám đốc, năm 2012, chúng tôi bắt tay vào đầu tư xây dựng, trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng hiện có, đối với những khu vực ít đá, chúng tôi trồng thêm trà, làm nhà; khu vực nhiều đá, cải tạo đào ao dẫn nước về thả cá…”.
Sau hơn bảy năm đầu tư xây dựng, đầu năm 2020, Mộc Sương chính thức đón khách tham dự tour du lịch nông nghiệp. Hiện nay, khu du lịch tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Tọa lạc trên những quả đồi bát úp, rộng hơn 30 héc ta, những luống trà oolong lá xanh mơn mởn, xung quanh được bao bọc bởi những thung lũng và dãy núi bạt ngàn mận, đào, cam, hoa, rau củ quả. Tại khu nghỉ dưỡng, có gần 100 phòng, du khách có thể lựa chọn từ phòng đơn đến phòng dành cho gia đình có bếp trong năm khu bungalow thiết kế thân thiện, hòa hợp cùng cảnh quan đồi trà, ba nhà sàn cộng đồng, hay khách sạn hiện đại với hệ thống thang máy, nhà hàng, quán trà, cà phê…
Đặc biệt tại đây, tất cả các phòng đều nằm trên những đồi trà nên du khách có thể nhìn bao quát khung cảnh từ trên cao xuống, với màu xanh bát ngát của những đồi trà, vườn cây ăn quả, đón những cơn gió đưa hương trà thơm nồng, hay đơn giản ra balcon ngồi hóng gió, nhâm nhi chén trà oolong thơm mát.
Du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp để làm nông dân thực thụ: từ hái trà, chế biến trà oolong, hái rau sạch vườn nhà, xuống ao bắt vịt, câu cá, lên đồi bắt gà… rồi chế biến, thưởng thức những món ăn đặc sản Tây Bắc. Ngoài ra, du khách còn có thể đi bộ, đạp xe đi khám phá văn hóa các dân tộc ở Mộc Châu tại các bản làng xung quanh khu du lịch như: thung lũng mận Nà Ka, bản Pa Khen (thị trấn Nông trường Mộc Châu); điểm du lịch cộng đồng bản Dọi (Tân Lập)…
Hongxiang Huang, một khách hàng thân thiết của Công ty chè Mộc Sương, mỗi lần đến đây đều ấn tượng vì lòng hiếu khách nồng hậu và các sản phẩm trà chất lượng cao. “Tôi rất tâm đắc với mô hình kinh doanh ngày càng chuyên sâu, đa dạng và hiện đại của Mộc Sương”, ông nói.
Hy vọng, qua câu chuyện #Yêu_trà_Việt tổng hợp từ báo Kinh tế Sài Gòn Online sẽ tiếp tục truyền cảm hứng đến cộng đồng.
Yêu Trà Việt là một diễn đàn chia sẻ các kiến thức văn hóa trà Việt, các địa danh trà quán góp phần mang đến những giá trị tốt đẹp nhất tới cộng đồng yêu trà Việt.