Người ta có câu “nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh” cho thấy sự quan trọng của nước trong nghệ thuật pha trà. Tại Việt Nam có một số nguồn nước quý được nhiều sách báo nhắc đến, vừa trong vừa ngọt lại vừa mát rất thích hợp cho việc pha trà. Vậy nguồn nước quý pha trà đó ở đâu, hãy cùng chúng tôi khám phá dưới bài viết sau để có thêm những thông tin hữu ích.
Nguồn nước quý núi Tản Viên
Nguồn nước quý pha trà tại Tản Viên thuộc vườn quốc gia Ba Vì, có chiều cao là 1227m nằm ở phía Nam núi Tản Viên được phát hiện vào năm 1971 bởi ngành địa chất thuỷ văn, mỏ nước nằm cách Sơn Tây 8km, cách Hà Nội 51 km. Tại đây có đền thờ Đức Thánh Tản Viên, đây là một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt, gọi là Tứ bất tử. Đặc biệt tại đây có một cái giếng rất đặc biệt.
Theo truyền thuyết kể lại, sau khi trấn yên bốn bề Sơn Tinh cùng anh em trở về Ba Vì thấy các lạch nước tại đây đã cạn kiệt. Thần bèn rút gậy cắm xuống dưới chân núi Ba Vì, ngay sau đó những hố sâu được hình thành như những chiếc giếng, nước phun lên có vị thanh mát. Đến ngày nay, người dân Tản Lĩnh vẫn gọi đây là giếng thiêng “Mũi Gươm”.
Nguồn nước quý pha trà ở Thác Bạc – Sapa
Thác Bạc là một thắng cảnh thác nước tại phường Ô Quý Hồ, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai. Với độ cao hơn 200m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ có độ cao hơn 1800m so với mực nước biển. Thác Bạc nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn và cũng là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa. Khí hậu nơi đây mát mẻ, ngay cả màu hè trời cũng se lạnh, do vậy mà nguồn nước Thác Bạc mát lạnh.
Có thể nói là nguồn nước quý Thác Bạc cung cấp cho cả Sapa dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay, khu du lịch Thác Bạc vẫn có rải rác những cây chè cổ, người dân tại địa phương thường hái những lá trà tại đây rồi lấy nước suối nấu nước chè tươi, trà mang hương vị tươi mát, hậu vị ngọt mà thanh khiết đến lạ.
Ngoài Thác Bạc còn có thác Cát Cát trong bản người H’Mông lấy nước từ mạch 3 khe núi, từ con suối Mường Hoa chảy qua bản Tả Van cũng rất thích hợp để pha những ấm trà thơm ngon đậm vị.
Nguồn nước quý pha trà tại Sapa nhờ thiên nhiên khí hậu vô cùng tuyệt vời, hưởng sinh khí từ núi rừng và đất trời rất thích hợp để pha trà, cùng nhau thưởng trà trên núi thì bao mệt mỏi tan biến.
Nguồn nước quý trên núi Thị Vải – Bà Rịa Vũng Tàu
Núi Thị Vải thuộc xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đường từ Sài Gòn đi lên núi Thị Vải rất thuận tiện. Theo đường cao tốc Sài Gòn – Dầu Giây, tới Long Thành rẽ phải vào quốc lộ 51 hướng ra Vũng Tàu. Qua chùa Đại Tùng Lâm, sẽ thấy núi Thị Vải nằm phía bên trái cách quốc lộ 51 khoảng 3km.
Truyện xưa kể rằng: “Có người con gái họ Lê tên Thị Nữ, trẻ đẹp thuộc gia đình giàu có, hiếu thảo, vì lo phụng dưỡng cha mẹ nên không chịu lấy chồng. Sau khi cha mẹ mất mới lập gia đình, nhưng không bao lâu thì chồng chết. Thị Nữ lập nguyện không tái giá và xuống tóc xuất gia trở thành Ni cô. Sau đó Ni cô Thị Nữ lên núi lập am, quyết chí tu hành đạt thành chánh quả. Vì vậy, nhiều người quý kính về sau thường gọi núi này là núi Thị Vải. Có số ít người gọi tên khác là núi Nữ Tăng”.
Sự tích núi Thị Vải được ghi lại rất rõ trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825) và sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán đời nhà Nguyễn.
Xưa kia, khi quân Tây Sơn truy lùng đuổi bắt chúa Nguyễn ở vùng Gia Định, Chúa Nguyễn Phước Ánh đã từng có lần ẩn trốn tại vùng núi rừng Bà Rịa, khi ở núi Thị Vải đã được bà Vãi – Lê Thị Nữ ứng giúp, che giấu trong các hang đá trên núi mà thoát nạn. Sau đó Chúa đã cho lập kho hậu cần để cất giấu lương thực, tiền bạc tại đây.
Khi Chúa Nguyễn Phước Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, lập nên triều đại nhà Nguyễn (1802 – 1945). Nhớ công người xưa cứu giúp, vua Gia Long đã sắc phong cho bà Thị Vãi là “Linh Sơn Thánh Mẫu” và mái am tranh của bà được xây dựng lại lấy tên là “Linh Sơn Bửu Thiền”.
Núi Thị Vải khi xưa có nhiều cây cao, rậm rạp um tùm, ở thành Gia Định trông thấy núi như viên ngọc phô bày sắc đẹp. Dưới chân núi có chùa Liên Trì, giữa chừng núi có chùa Hồng Phúc và lên nơi cao nhất là chùa Tổ. Dọc đường lên núi có rất nhiều cảnh đẹp như: hang Gió, hang ông Hổ, giếng ông Hổ và giếng Tiên. Đặc biệt giữa núi có một mỏ cát rất lớn, nước suối chảy từ khe núi phía trên chùa Tổ đi qua mỏ cát này nên nước giếng ở chùa Tổ vừa trong, vừa mát lại còn ngọt. Nhiều người mê uống trà đã lên tận nơi đây để xin nước suối hoặc nước giếng về dùng. Tại chùa Tổ cũng có nhiều không gian thú vị để trà hữu cùng nhau đàm đạo Phật pháp và thưởng trà.
Trên đây là một vài thông tin về nguồn nước quý pha trà tại Việt Nam. Trên mảnh đất Việt có rất nhiều nguồn nước quý, đây cũng được xem là tài nguyên thiên nhiên quý giá của nước ta cũng rất cần được bảo vệ. Nước quý pha trà mời gia đình, bạn hữu quả là một điều ý nghĩa.
——————————————————————————————————————————————————
Cộng đồng Yêu trà Việt được hình thành và phát triển với mong muốn là Nơi tôn vinh thương hiệu trà Việt, Nghệ nhân trà Việt, Các vùng trà Việt Nam, Các tour trải nghiệm về Trà, Những quyển sách trà hay, Những kiến thức về Trà, Các địa danh trà quán trên cả nước. Qua đó, Quý trà hữu có thể lựa chọn được các sản phẩm trà An Toàn để sử dụng, tìm được các nơi thưởng trà để đàm đạo, đọc được những cuốn sách hay về Trà. Đặc biệt giao lưu kết nối thêm nhiều bạn trà để cuộc sống thêm nhiều giá trị.
Hãy kết nối với chúng tôi qua:
Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/yeutraviet
Fanpage: https://www.facebook.com/YeutraViet
Youtube: https://www.youtube.com/c/yeutravietOfficial
Tiktok: https://www.tiktok.com/@yeutraviet
Nguồn: TH từ Thưởng trà thật đẹp, thật vui