Cứ mỗi độ cuối hạ đầu thu, đâu đâu cũng thấy những gánh hoa sen được chở khắp các phố phường Hà Nội, báo hiệu thức trà ướp sen Tây Hồ – quốc ẩm Việt Nam đang được các nghệ nhân tỉ mỉ làm ra. Trà ướp sen nét văn hóa tinh tế trong ẩm thực người Việt, để có được những chén trà hội tụ đầy đủ tinh hoa phải trải qua những công đoạn khá kỳ công và phức tạp. Cùng Yêu trà Việt lưu giữ công thức làm nên những chén trà sen dưới bài viết sau nhé.
Mùa sen thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, đây là thời điểm hoàn hảo để những người làm trà sen gấp rút cho ra những phẩm trà sen thơm ngon để xứng đáng là thức uống quốc ẩm Việt Nam. Không biết từ bao giờ, nghệ thuật ướp trà đã trở thành nét văn hóa đặc biệt của người Hà Nội. Nó không chỉ công phu mà còn chứa đựng cả tâm hồn của người làm trà. Để có được thức trà đó, người nghệ nhân đã phải thực hiện rất nhiều công đoạn từ hái sen buổi sớm mai đến chọn lựa, tách gạo sen đến ướp trà.
Người ta truyền tai nhau rằng, nhiều năm về trước tại khu vực Hồ Tây trồng rất nhiều sen bách diệp, những người sinh sống gần đó đã lấy chè xanh Thái Nguyên để ướp cùng loài hoa trăm cánh, tạo nên một thức trà có hương vị đặc biệt mà ấn tượng với bất cứ ai yêu trà. Từ đó, người dân thường gọi dân dã là trà sen Tây Hồ, hay trà sen Hồ Tây.
“Đấy vàng, đây cũng đồng đen
Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ”
Câu ca dao phần nào khẳng định tiếng tăm dòng sen Tây Hồ tạo nên thức uống mang hương vị đất Hà Thành.
Từ tờ mờ sáng, Hồ Tây đã đầy ắp những con thuyền chở sen, người thợ trà bẻ sen và xếp nhẹ nhàng vào mạn thuyền. Chốc lát con thuyền đã đầy ắp, búp nào búp ấn căng mọng những giọt sương mai. Lúc này hoa sẽ cho mùi thơm có chất lượng tốt nhất và hàm lượng chất thơm cũng cao nhất. Để làm chè, cần chọn hái những hoa sắp nở, tuyệt đối không hái những bông hoa chưa chín tới.
Sau khi hái hoa sen, hoa được đưa vào bờ và nhanh chóng được chuyển về nhà để giữ cho hoa được tươi nhất. Chờ cho hoa bắt đầu nở, dùng dụng cụ giống như một chiếc thìa nhỏ để tách hết gạo sen là nơi chứa tinh dầu, hạt gạo có màu trắng vàng. Khi thu gạo sen cần chú ý nhẹ nhàng mở các cánh hoa, sau đó cầm chúc ngược bông sen để tách gạo, chú ý không được để phấn hoa lẫn vào gạo sen vì vị của phấn hoa gây ảnh hưởng không tốt đến vị của chè. Sau khi tách ra, gạo sen được bảo quản cẩn thận, tránh làm dập nát, đem cân để biết khối lượng, từ đó chuẩn bị một lượng chè tương ứng với lượng gạo sen thu được.
Cần tránh nhầm lẫn giữa hoa sen và hoa quỳ, hai loại hoa này có hình thức khá giống nhau, nhưng cho chất lượng chè hoàn toàn khác nhau.
Mỗi bông sen có thể thu được 0,6 gam gạo tươi. Để thu được 1kg gạo, cần khoảng gần 1700 bông sen.
Trộn đều gạo sen và chè theo tỷ lệ xác định. Thông thường lượng gạo sen được dùng để ướp dập bằng 30% lượng chè, tức là nếu ướp 1kg chè cần 0,3kg một gạo sen và 1kg gạo sen có thể ướp cho 3,3 kg chè. Như vậy để làm ra 1kg chè sen, 500 bông sen. Để làm chè loai sen có chất lượng rất cao, 1kg chè có thể dùng đến 1500-2000 bông sen. Sau khi trộn đều, cho hỗn hợp chè và gạo sen vào thùng kín, xung quanh và đáy thùng có nhiều lót vải. Quá trình ướp sen kéo dài từ 36 đến 48 giờ, tuỳ thuộc vào nhiệt độ không khí trong phòng. Khi nhiệt độ ngoài cao, cần rút ngắn thời gian và ngược lại, khi nhiệt độ thấp, có thể kéo dài nhưng không quá 48 giờ. Trong quá trình ướp sen, nhiệt độ trong khối chè tăng lên có khi C đến 42°C và hiện tượng tích ẩm trong chè tăng lên làm người giảm khả năng hấp phụ chất thơm của chè, vì thế cần làm giảm nhiệt độ và độ ẩm của khối chè bằng cách đảo trộn. Cứ sau khoảng 10 giờ cần đảo trộn 1 lần.
Kết thúc giai đoạn ướp sen, cần đưa ngay chè đi sấy ở nhiệt độ thấp và sấy không lưu thông không khí nhẹ cưỡng bức để tránh tổn thất chất thơm. Có thể dùng tủ sấy điện hoặc quầy sấy than hoa để sấy chè với nhiệt độ khoảng 60-70°C. Rải chè trên nia thành 1 lớp, dày khoảng 1-1,5cm, phía trên có phủ 1 lớp vải trắng, cứ sau 30 phút đảo trộn 1 lần. Thời gian sấy kéo dài hơn 2h30. Khi chè gần khô mang đi sàng tách riêng gạo sen và tiếp mùi tục sấy chè đến độ ẩm khoảng 3%. Cần tách triệt để gạo sen để chè sản phẩm có hương vị thuần khiết.
Hiện nay, ngoài trà xanh Thái Nguyên thì nhiều nghệ nhân làm trà sen sử dụng trà xanh Shan tuyết cổ thụ để ướp cùng sen.
Có thể thấy quy trình làm trà sen khá phức tạp và cầu kỳ, cũng chính vì thế mà giá thành trà sen khá đắt đỏ. Tuy giá cao nhưng sản phẩm được làm theo phương pháp thủ công truyền thống, hương vị đặc biệt nên nhiều người phải đặt trước mới có để thưởng thức. Dòng trà này nếu muốn bán quanh năm thì phải được bảo quản trong ngăn đông hoặc trong ngăn đá tủ lạnh để đảm bảo chất lượng.
Quý trà hữu có thể liên hệ với các thương hiệu trà sen nổi tiếng ở Tây Hồ như trà sen bà Dần, trà sen Minh Cường, trà sen Quảng Bá, trà sen Hiền Minh Tea…để sở hữu những phẩm trà sen thơm ngon trong mùa sen này nhé.
Trà ướp sen Tây Hồ là một sản phẩm vô cùng đặc biệt, mang trong mình hương thơm sang trọng mà thuần khiết. Đây cũng chính là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Mỗi ấm trà sen như mang trọn hương thơm mùa hạ, tạo nên món quà độc đáo mang hương vị Hà Thành.
——————————————————————————————————————————————————
Cộng đồng Yêu trà Việt được hình thành và phát triển với mong muốn là Nơi tôn vinh thương hiệu trà Việt, Nghệ nhân trà Việt, Các vùng trà Việt Nam, Các tour trải nghiệm về Trà, Những quyển sách trà hay, Những kiến thức về Trà, Các địa danh trà quán trên cả nước. Qua đó, Quý trà hữu có thể lựa chọn được các sản phẩm trà An Toàn để sử dụng, tìm được các nơi thưởng trà để đàm đạo, đọc được những cuốn sách hay về Trà. Đặc biệt giao lưu kết nối thêm nhiều bạn trà để cuộc sống thêm nhiều giá trị.
Hãy kết nối với chúng tôi qua:
Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/yeutraviet
Fanpage: https://www.facebook.com/YeutraViet
Youtube: https://www.youtube.com/c/yeutravietOfficial
Tiktok: https://www.tiktok.com/@yeutraviet