Phục hồi giống chè thời Pháp

Người dân xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, đang phục hồi giống chè Đức Phú, vốn được người Pháp mang sang trồng từ hơn một trăm năm trước.

Gần hai năm trước, bà Nguyễn Thị Liên, 60 tuổi, ở thôn Đức Phú, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, được chính quyền cấp 5.000 cây chè giống trồng trên diện tích 1.500 m2. “Ngày trước chè trải dài trên các triền đồi nhưng tôi phá bỏ trồng gỗ keo, nay thì làm ngược lại”, bà nói.

Sau hơn 15 tháng trồng, vườn chè của bà Liên cho thu hoạch. Đợt đầu tiên thu được 30kg tươi, bán 20.000 đồng/kg cho hợp tác xã chè Đức Phú. Càng trồng lâu, cây càng cao, nhiều cành tán rộng, cho thu hoạch nhiều hơn.

Tương tự, ông Châu Văn Điểm, 64 tuổi, thôn Đức Phú, cũng chuyển đổi hơn 5 sào đất trồng gỗ keo sang cây chè. Do cây mới trồng sản lượng ít, mỗi năm thu vài chục triệu đồng, song khoảng 5 năm nữa có thể thu 100 triệu đồng/năm.

Theo ông Điểm, trồng chè không khó vì cây giống bản địa có sẵn, thích hợp với vùng đất này. So với cây gỗ keo, thời gian sinh trưởng của cây chè ngắn hơn, cho thu hoạch ổn định quanh năm, rủi ro thiệt hại do thiên tai cũng ít hơn.

Bà Nguyễn Thị Liên đang vun gốc cho cây chè gần hai năm tuổi. Ảnh: Sơn Thủy
Bà Nguyễn Thị Liên đang vun gốc cho cây chè gần hai năm tuổi. Ảnh: Sơn Thủy

Cây chè được trồng tại Núi Thành từ năm 1884, do một người Pháp tên Maillard tìm ra vùng đất thích hợp, lập đồn điền Đức Phú thuộc xã Kỳ Trà, huyện Tam Kỳ, nay là xã Tam Sơn, huyện Núi Thành. Giống cây được người Pháp mang sang và gieo xuống đất Đức Phú, sau nhiều năm nhân rộng gần trăm ha. Vì thế người dân quen gọi là chè Đức Phú.

Thời Pháp thuộc, chè Đức Phú không chỉ được nhiều thế hệ người sành uống trong nước biết đến mà còn nức tiếng ở phương Tây. Loại này lượng đường nhiều, khi uống có vị ngọt, không chát đắng như các loại khác.

Người Pháp phân thành từng lô, đánh số từ lô 1 đến 18. Mỗi lô rộng chừng 5 ha, có đội quản lý riêng, phân cách bằng hàng cây. Năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam, những đồi chè được chia cho người dân chăm sóc, thu hoạch bán thô cho các xưởng ở TP Tam Kỳ nhưng thu nhập không cao. Vì thế người dân không còn mặn mà với cây chè.

Những năm cuối thế kỷ trước, cây gỗ keo cho thu nhập lớn, người dân Đức Phú phá bỏ chè để trồng keo, sau đó chuyển sang trồng cao su. Gần trăm ha chè thời Pháp chỉ còn sót lại số ít.

Ông Nguyễn Văn Hùng bên cây chè thời Pháp còn sót lại trong vườn. Ảnh: Sơn Thủy
Ông Nguyễn Văn Hùng bên cây chè thời Pháp còn sót lại trong vườn. Ảnh: Sơn Thủy

Năm 2018, ông Nguyễn Văn Hùng, 72 tuổi, là người địa phương nhưng rời quê mưu sinh từ nhỏ. Lớn tuổi, ông quay về quê sinh sống, tiếc nuối nhìn những đồi chè hàng trăm năm tuổi bị phá. Ông Hùng nhớ lại lời trăng trối của bố trước khi mất “làm gì cũng cố giữ lại cái tên chè Đức Phú”. Bởi từ ông nội, đến bố ông Hùng bám lấy cây này nuôi các con khôn lớn.

Trên mảnh vườn 3 ha còn sót lại một số cây chè thời Pháp nằm rải rác, ông Hùng bứng gốc trồng theo hàng lối và thu mua những cây chè cổ trong thôn tạo thành vườn cây xanh mướt. Ông viết đề án thành lập hợp tác xã chè Đức Phú, đi nhiều tỉnh miền Bắc học hỏi từ cách trồng cũng như công nghệ chế biến.

Việc làm của ông Hùng được chính quyền hưởng ứng, năm 2020 xã Tam Sơn tài trợ tiền mua máy móc sản xuất chè. Thiết bị có sẵn nhưng nguồn nguyên liệu ít ỏi nên mỗi năm hợp tác xã sản xuất khoảng 500kg, bán tại địa phương với giá 300.000 đồng/kg.

Để tăng sản lượng, ông Hùng đến từng nhà người dân thuyết phục, đến nay khoảng 50 hộ bắt đầu tham gia hợp tác xã, giá thu mua chè tươi 20.000 đồng/kg. “Một ha trồng 18.000 cây, bình quân mỗi cây một năm thu một kg chè khô”, ông nói và cho hay thu nhập từ chè cao hơn cây gỗ keo gấp ba lần. Ông đang kêu gọi đầu tư, mua thêm thiết bị, nâng cấp nhà xưởng, mở rộng quy mô.

Ông Hùng từng đưa hơn 30.000 cây chè ở Thái Nguyên về trồng thử nghiệm xong bị chết nhiều. Những cây sống sót cho thu hoạch, khi chế biến không giống chè Đức Phú, uống nước nhạt hơn, không ngọt tự nhiên nơi đầu lưỡi.

Ông Hùng cho chè vào máy chế biến trà. Ảnh: Sơn Thủy
Ông Hùng cho chè vào máy chế biến trà. Ảnh: Sơn Thủy

Ông Trần Công Hiệu, Chủ tịch xã Tam Sơn, cho biết sản phẩm trà Đức Phú được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng; tháng 1/2021 tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận OCOP đạt chuẩn 3 sao.

“Chính quyền đang thực hiện đề án hỗ trợ người dân mở rộng diện tích phục hồi cây chè. Chủ trương của xã phát triển cây chè thành hàng hóa mang lại thu nhập cho người nhằm thay thế trồng gỗ keo”, ông Hiệu nói và cho hay vào mùa mưa bão người dân rất lo lắng, vì cây gỗ keo ngã đổ thiệt hại lớn. Trong khi cây chè bền vững, sống được hàng trăm năm, cho thu hoạch liên tục.

Cộng đồng Yêu trà Việt được hình thành và phát triển với mong muốn là Nơi tôn vinh thương hiệu trà Việt, Nghệ nhân trà Việt, Các vùng trà Việt Nam, Các tour trải nghiệm về Trà, Những quyển sách trà hay, Những kiến thức về Trà, Các địa danh trà quán trên cả nước. Qua đó, Quý trà hữu có thể lựa chọn được các sản phẩm trà An Toàn để sử dụng, tìm được các nơi thưởng trà để đàm đạo, đọc được những cuốn sách hay về Trà. Đặc biệt giao lưu kết nối thêm nhiều bạn trà để cuộc sống thêm nhiều giá trị.

Hãy kết nối với chúng tôi qua:

Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/yeutraviet

Fanpage: https://www.facebook.com/YeutraViet

Youtube: https://www.youtube.com/c/yeutravietOfficial

Tiktok: https://www.tiktok.com/@yeutraviet

Nguồn: Sơn Thủy – vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *