Nghi thức “Trà Lễ” trong giao tiếp ứng xử ở Việt Nam như thế nào?

Văn hóa trà của người Việt từ lâu đã đi sâu vào tiềm thức và có mặt ở mọi sự kiện, lễ hội quan trọng trong năm. “Trà Lễ” trong giao tiếp ứng xử ở Việt Nam như một giá trị tinh thần không thể thiếu của cuộc sống hiện nay. Cùng Yêu trà Việt tìm hiểu bài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích nhé. 

Trà có mặt trong giao lưu tình nghĩa ở ngày hội làng, đình đám, đưa đón khách thập phương về thăm quê nhà. Trong những cuộc tiếp xúc quan trọng của quốc gia đến hội hệ đình đám ở làng quê, ở thành thị và trong từng gia đình khi có khách đến chơi đều phải mời trà. Nó được diễn ra như một lễ nghi – trà, đã giữ vai trò giao lưu giữa các tầng lớp xã hội, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, đẳng cấp, tuổi tác, nam nữ.

Trà lễ gắn liền với cuộc sống con người từ xưa đến nay
Trà lễ gắn liền với cuộc sống con người từ xưa đến nay

Chén trà đã làm mọi người xích lại gần nhau, xua đi những mặc cảm, oán thù, mọi người chung sống nhân bản hơn. Trà còn sử dụng như một phương tiện giao tiếp, trong biếu xén, quà tặng, lễ lạt, cầu phúc, cưới xin, ăn hỏi… Trà mở đầu buổi sáng và kết thúc bữa ăn tối của mọi gia đình.

Đón khách, tiếp khách, tiễn khách

Trong giao tiếp ứng xử xã hội con người Việt Nam thường dùng trà, trầu cau, rượu để chào mời khách đến nhà thăm hỏi, tiễn bạn đi xa, cưới xin, ma chay, thờ cúng tổ tiên. Phong tục đón khách đến nhà, mời trà thể hiện trong ca dao tục ngữ, hò vè, câu đối, hát quan họ, hát ghẹo rất phong phú, ví dụ như:

Bắc ninh có dân ca quan họ nói lên tục uống trà tại nông thôn như sau:

Mỗi (Mấy) khi khách đến chơi nhà 

Đốt than quạt nước pha trà người xơi

Trà này quý lắm người ơi 

Mỗi người một chén cho tôi vừa lòng

Muốn cho sông cạn núi liền

Để anh đi lại chẳng phiền đò giang

Vào chùa thấy chữ linh nhang

Gần chùa mà chẳng bén duyên chút nào 

Sáng trăng sáng cả vườn đào

Hỏi rằng ngồi đấy ai nào còn không?

Nên chăng?

Se sợi chỉ hồng.

(Dân ca quan họ Bắc Ninh)

Thời phong kiến, ở thành thị, mỗi khi có khách đến nhà, chủ nhà khăn áo chỉnh tề ra chào hỏi rồi mời vào nhà, ngồi nghỉ ngơi tại nơi tiếp khách trang trọng nhất. Chủ nhà vừa đun nước vừa thăm hỏi sức khoẻ gia đình khách, vừa trao đổi vài ba câu chuyện thời tiết, thời sự. Khi nước đã sôi, chủ nhà xúc ấm chén, rồi tráng nước sôi cho sạch sẽ tinh tươm. Nhẹ nhàng mở gói trà ngon khoe với khách vừa mới mua ở cửa hàng quen thuộc, nhúm một nắm trà bỏ vào ấm vừa mới tráng nước sôi cho nóng. Rồi nhấc chiếc siêu nước rót vào chiếc ấm vừa đủ ngấm trà, lắc ấm cho ngấm đều trà, rồi đổ thêm nước sôi lưng ấm. Sau đó tráng chén bằng nước sôi, rồi rót nước trà trong ấm vừa ngấm vào chén con, hai lần cho độ đậm nhạt đồng đều. Trà vừa ngấm, bốc hương thơm, trịnh trọng mời khách quý bằng cả hai tay. Khách nhấm nháp khen ngon, hỏi chủ mua trà ở đâu mà khéo thế. Sau đó bắt đầu câu chuyện gia đình, tin tức thời sự, bình luận thời cuộc, trao đổi tâm tình không dứt. Vài ba tuần trà trôi qua mà vẫn tâm đắc trò chuyện như pháo ran…

Khách đến chơi trà không thể thiếu những chén trà
Khách đến chơi trà không thể thiếu những chén trà

Đồng bào Dao ở Hà Giang cũng có tục mời khách đến nhà uống trà, trước khi nói chuyện công tác. Cán bộ miền xuôi đầu tiên không am hiểu tập quán này vào nhà đồng bào nói chuyện công tác ngay nên làm mất lòng chủ nhà; mà phải uống trà bắt đầu những câu thăm hỏi gia đình, làng xóm, thời tiết, mùa màng, rồi mới nói chuyện công tác. Nơi tiếp khách là bếp lửa đun gộc củi lớn cả khúc giữa nhà sàn; chủ nhà ngồi góc bếp mời khách ngồi trước bếp, rồi lấy ống nứa đựng trà trên gác bếp để bảo quản chống mốc. Chủ nhà mở nút ống nứa ra, lấy một nắm trà mạn chế biến từ chè Shan tuyết, bỏ trên một mảnh chảo gang vỡ, đặt lên than hồng, cho trà bay bớt nước, cuỗng chè giải nhiệt, nổ lách tách, bắt đầu nổi lên những nốt phỏng do nhiệt cao gây nên, bốc mùi thơm cốm rồi mới bỏ vào ấm pha trà mời khách trước khi trò chuyện. Như vậy chén trà cũng là đầu câu chuyện, nhưng loại trà, không gian, thời gian và cách pha trà khác với miền xuôi về thị hiếu và tập quán dân tộc.

Trà lễ thể hiện những giá trị tinh thần văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam
Trà lễ thể hiện những giá trị tinh thần văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Ngày xưa, bạn làng thơ không bao giờ quên mời nhau đến ngâm thơ vịnh hoa quỳnh nở và uống một chén trà ngon trong một đêm thu trăng rằm như vua Lê Thánh Tông trong Hội Tao Đàn. Nhà văn hoá thế giới Nguyễn Trãi sau khi rút lui khỏi quan trường, rồi về Côn Sơn sống đời ẩn dật giữa núi non, sông nước, vui thú điền viên cây cỏ, chim ca vượn hót, đã xem trà như:

Một công cụ giao tiếp ứng xử xã hội, trong đón khách bằng mời trà, tặng trà, để giao lưu tình cảm bè bạn;

Một giá trị thẩm mỹ và giải trí thư giãn, làm phong phú thêm đời sống tâm hồn con người trần tục, trút hết phiền muộn, bận rộn của cuộc sống quan trường.

Khách quý gặp nhau, hàng ngày ôm đàn gẩy,

Núi cũ trở về hứng sâu sắc làm sao !

Hương bốc ở đỉnh sành, trên cây gió sinh;

Trăng soi trên ghềnh rêu, đầy rừng trúc mọc,

Để rửa sạch lòng trần, có chè ngoài hoa;

Để gọi tỉnh mộng buổi trưa có chim bên gối,

Ngày dài tựa ghế quên cả nói, 

Người với mây trắng, ai là có tâm tình?

Lễ Tết

Trong những ngày vui buồn, thờ cúng, kỷ niệm long trọng của đời người đều có mời trà. 

Ngày Tết âm lịch, gia đình nào, dù nông thôn hay thành thị đều phải có trà cúng ông bà tổ tiên. Cả nhà quây quần thưởng trà nhâm nhi bánh mứt và kể cho nhau nghe những câu chuyện trong năm vừa qua. Khách đến nhà cũng mời trà và chúc Tết, đó như một nghi lễ không thể thiếu của mỗi dịp tết đến xuân về. 

Những ngày lễ tết cả gia đình quây quần bên nhau và trò chuyện thưởng trà
Những ngày lễ tết cả gia đình quây quần bên nhau và trò chuyện thưởng trà

Cưới xin

Trà có mặt trong ngày cưới xin của lứa đôi thanh niên nam nữ. Ngày nay ở Hà Nội, thiệp báo tin mừng đám cưới của hai bạn thanh niên nam nữ xây dựng tổ ấm gia đình bao giờ cũng có miếng trầu cau, kèm theo gói trà, mứt sen gói trong giấy bóng kính hồng. Trà tàu là một trong những lễ vật quan trọng trong các đám hỏi của người Hà Nội, cùng với trầu cau, mứt hạt sen, bánh xu xê. Sau lễ hỏi, nhà gái thường chia trà ra thành những phần nhỏ bỏ vào những bao cắt bằng giấy bóng kính đỏ, đem chia cho họ hàng bạn bè cùng mấy quả cau, dăm viên mứt sen như một thứ quà nhỏ, nhưng cũng là thông điệp long trọng báo tin vui về lễ cưới hỏi của người thân.

Lễ cưới trọng đại cả cuộc đời người cũng không thể thiếu những chén trà đơn sơ, mộc mạc
Lễ cưới trọng đại cả cuộc đời người cũng không thể thiếu những chén trà đơn sơ, mộc mạc

Ma chay

Đám ma tiễn đưa vĩnh viễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng bao giờ cũng có nước trà mời khách đến viếng, cùng với thuốc lá, trầu cau. Trong các đám ma tiễn biệt người thân thiết gia đình từ giã thế gian để đi vào cõi vĩnh hằng, không bao giờ thiếu trà. Thậm chí khi khâm liệm người chết, ngày xưa các nhà giàu còn bỏ trà vào quan tài. Theo các công trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam (Đỗ Văn Ninh và đồng tác giả, 1971) trà đã được các vua quan thời vua Lê, chúa Trịnh dùng làm chất hút ẩm, để giữ xác người và các vật chôn theo được lâu, không tiêu huỷ nhanh chóng.

“Trong ngôi mộ Bùi Thị Khang ở Thượng Lâm – Hà Tây, Phạm Thị Nguyên Chân ở Vân Cát – Nam Hà và Vũ Phạm Khải, các quan tài hầu hết được ghép mộng sát sao và có ván lót mỏng bên trong cả 6 tấm. Tấm thất tinh hoặc bằng gỗ hoặc nhiều lần vải dán lại lót trên, là lớp gạo rang, bấc cỏ hay bã chè dưới đáy quan tài, cũng thường thấy ở các mộ. Về thuật giữ xác, tấm thất tinh bẩy lỗ và lớp gạo rang hoặc chè, những chất hút ẩm lót dưới đáy quan tài, nói lên sự tính toán đến việc tan rữa, hay ít nhất là việc tiết nước từ thi hài ra ngoài. Gạo rang và chè không hề có ý nghĩa gì về một quy định tôn giáo, đạo đức hay tang chế nào cả”.

Kết quả của 30 ngôi mộ đã khai quật, có bốn nguyên nhân mà xác chôn trong loại mộ này được giữ lại là: áo quan được chèn chặt có bố trí các chất thơm và có lớp gạo rang hay chè sao ở dưới; áo quan gỗ thơm, trát sơn, đóng đậy thật kỹ; quách bằng chất tam hợp ngăn mọi sự lưu thông với bên ngoài; và yếu tố thời gian.

Hội hè – Đình đám

Hội làng. Trà được sử dụng ở nông thôn nhân những ngày hội làng kỷ niệm thần thành hoàng, người có công xây dựng làng xóm, đánh giặc ngoại xâm hay ông tổ làng nghề, để đón con cháu và khách thập phương về thăm quê hương. 

Tiệc trà. Những cuộc họp quan trọng cơ quan như tổng kết năm, khen thưởng thi đua, thường kết thúc bằng những tiệc trà có rượu, có trà, bánh ngọt để kết thúc và ghi nhớ những kết quả đã đạt trong hội nghị như một lời cam kết cuối cùng của mọi thành viên tham gia.

Tiệc trà tiếp đãi các đối tác chính trị quan trọng
Tiệc trà tiếp đãi các đối tác chính trị quan trọng

Lễ hội. Nơi công cộng thì có lễ hội xuất quân, tiễn đưa bộ đội lên đường, khao quân, đón bè bạn bốn phương về thăm quê hương, nhân dịp hội làng; với những hình ảnh rất quen thuộc thân thương. Trong buổi lễ xuất quân bà mẹ nén lòng, cầm nước mắt, hai tay nâng bát chè xanh nóng bỏng, tiễn đứa con trai yêu quý lên đường ra chiến trường giết giặc ngoại xâm; bà mẹ già nấu nước chè tươi gánh ra tiễn các anh bộ đội lên đường hành quân đánh giặc cứu nước; các bộ lão thời Cần vương khao quân bằng nước chè xanh; cô dân quân lanh lẹn, áo nâu sồng, chẽn thắt lưng da to bản Liên xô cũ, súng đeo vai đang mời một bát chè tươi, chào mừng anh bộ đội phòng không bắn rơi con quạ Mỹ; buổi sáng sớm tinh mơ tổ vân công, quây quần xung quanh nồi chè tươi đặc cắm tăm bốc khói nghi ngút, rít điếu thuốc lào ăn củ khoai lang, trước khi xuống đồng cày ruộng; các cụ ông cụ bà sau buổi tập dưỡng sinh buổi sáng tại bờ hồ Hoàn Kiếm, xách túi chè xanh về nhà uống. 

Lễ hội trà được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước
Lễ hội trà được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước

Có thể thấy, trà không chỉ là một thức nước giải khát mà chúng còn chứa trong mình những giá trị tinh thần vô cùng lớn. Trà Lễ càng khẳng định được tầm quan trọng trong giao tiếp xã hội cũng như điều tiết các mối quan hệ của con người, làm cuộc thêm càng thêm ý nghĩa hơn.  

Cộng đồng Yêu trà Việt được hình thành và phát triển với mong muốn là Nơi tôn vinh thương hiệu trà Việt, Nghệ nhân trà Việt, Các vùng trà Việt Nam, Các tour trải nghiệm về Trà, Những quyển sách trà hay, Những kiến thức về Trà, Các địa danh trà quán trên cả nước. Qua đó, Quý trà hữu có thể lựa chọn được các sản phẩm trà An Toàn để sử dụng, tìm được các nơi thưởng trà để đàm đạo, đọc được những cuốn sách hay về Trà. Đặc biệt giao lưu kết nối thêm nhiều bạn trà để cuộc sống thêm nhiều giá trị.

Hãy kết nối với chúng tôi qua:

Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/yeutraviet

Fanpage: https://www.facebook.com/YeutraViet

Youtube: https://www.youtube.com/c/yeutravietOfficial

Tiktok: https://www.tiktok.com/@yeutraviet

 

Theo Khoa học văn hóa trà 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *