Vùng đất Tủa Chùa không chỉ được biết đến với những lễ hội văn hóa đặc sắc cùng nhiều món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc hay là những buổi chợ phiên tấp nập. Nơi đây còn nổi tiếng với những đồi chè Shan tuyết cổ thụ ngút ngàn rộng lớn, sinh trưởng tự nhiên. Cùng Yêu trà Việt tìm hiểu về vùng chè cổ thụ Tủa Chùa dưới bài viết sau.
Nằm ở trên độ cao hơn 1200m so với mực nước biển, huyện Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên được thiên nhiên ban tặng cho hệ sinh thái vô cùng phong phú đa dạng, đặc biệt hơn nữa là sự xuất hiện của hàng nghìn cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Hiện nay toàn huyện có gần 30ha chè Shan tuyết cổ thụ với hơn 10 000 cây chè có tuổi đời trên 300 năm và được tập trung tại các xã: Tả Phìn, Sính Phình, Tả Sìn Thàng và Sín Chải.
Người dân Sín Chải thường hay gọi đây là cây chè Tuyết bởi có lẽ khí hậu nơi núi cao quá khắc nghiệt đã tạo nên cái tên độc đáo đó. Vào mùa đông, cái lạnh tê tái của Tây Bắc khiến băng giá và tuyết phủ khắp những cành cây ngọn cỏ. Những cây chè có vẻ ngoài nhăn nheo sần sùi tưởng chừng như không sống sót qua mùa đông, ấy thế mà nhờ những dưỡng chất tinh túy ấy, cây chè Shan tuyết Tủa Chùa không ngừng sinh sôi để đến mùa xuân ấm áp cho ra những mầm chè mỡ màng chứa đầy tinh hoa từ đất trời. Đồng bào Mông nơi đây gọi cây chè Shan tuyết là “cây bất tử” bởi nó biểu tượng cho sự bền bỉ, sức sống mãnh liệt, trường tồn qua thời gian của loại cây này. Có những cây to, 3 – 4 người ôm không xuể, cao từ 8 – 15m cho ra những phẩm trà mang hương vị thơm ngon và đặc trưng của vùng miền.
Cây chè Shan Tủa Chùa sinh trưởng và phát triển tự nhiên, không hề dùng bất kỳ sự chăm bón bởi chúng tự thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây, đặc biệt là cây chè này tự sản sinh ra một loại kháng thể giúp chống lại sâu bệnh. Thời gian thu hoạch trà Tủa Chùa là vào tháng 3 đến hết tháng 10 âm lịch hàng năm, nhưng chất lượng nhất phải kể đến vụ xuân. Sau một mùa đông dài và khắc nghiệt, cây chè hấp thu các dưỡng chất tinh túy nhất nên phẩm trà vụ xuân mang đến hương thơm và vị ngon ấn tượng nhất. Những cây chè Shan Tủa Chùa cao to là một trong những khó khăn để người thợ trà thu hái búp chè. Người dân bản địa phải đi một quãng đường khá xa để đến vùng chè, cùng với đó là mang theo nhiều dụng cụ chuyên nghiệp để hái chè, và tất cả chỉ sử dụng bằng đôi bàn tay khéo léo và lành nghề được truyền từ đời này qua đời khác.
Đặc điểm nổi bật của trà Shan tuyết cổ thụ Điện Biên là nước trà có độ chát rất đậm, trà có màu vàng sóng sánh như mật, dù chát nhưng để lại vị ngọt hậu đượm mãi trong họng. Đặc biệt, cây chè càng già ở Tủa Chùa càng cho nhiều búp có vị đanh, hương trà đậm đà rõ vị hơn. Nếu là người thưởng trà cổ tinh tế bạn sẽ nhận thấy ngay vị khác biệt của trà Tủa Chùa bởi hương vị quyện với mùi thơm của cỏ cây, pha chút vị đắng chát nhẹ như cuộc sống của đồng bào Mông trên vùng đất khó này.
Theo nhiều đánh giá thì giống chè Shan rừng tại đây khác với giống chè Shan rừng của nhiều tỉnh khác. Tuy nhiên cần có sự kiểm chứng của các chuyên gia để phân loại và xác minh giống chè tại vùng chè cổ thụ Tủa Chùa có phải là Camellia sinensis var. shan hay là một giống Shan rừng khác. Nhờ khả năng thích ứng tốt với môi trường tự nhiên nên chè Shan đảm bảo an toàn và sạch cho người sử dụng, không những thế còn có nhiều vi dưỡng chất có lợi cho sức khỏe con người. Đây là thức uống rất tốt, giúp thanh nhiệt, chống béo phì, tiêu hóa tốt, ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa, ổn định đường huyết, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, duy trì chức năng tim, huyết quản, dạ dày… Với những đặc tính riêng biệt, nên người tiêu dùng rất ưa chuộng, chè Tuyết Shan cổ thụ Tủa Chùa đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu liên tục 3 năm 2013, 2014, 2015 và năm 2016 vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm chè Tuyết Shan Tủa Chùa còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan…
Vùng chè cổ thụ Tủa Chùa góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa của người Mông và cải thiện đáng kể đời sống người dân. Trong nhiều năm qua, cây chè Tuyết đã giúp tăng thêm thu nhập cho bà con, mỗi gia đình đều có ít nhất từ 3-4 cây chè, nhiều hộ dân còn sở hữu cả hàng trăm cây chè cổ thụ, sản xuất ra một lượng trà lớn cung cấp cho thị trường ngày càng mở rộng như hiện nay.
Huyện Tủa Chùa sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển các HTX mới trên địa bàn các xã vùng chè, hỗ trợ các xã hoạt động có hiệu quả; đồng thời mở rộng vùng trà liên doanh, liên kết với các công ty, tổ chức trong và ngoài nước xây dựng thương hiệu, chế biến sản phẩm theo cơ chế sạch và bao tiêu sản phẩm. Yêu trà Việt mong rằng các phẩm trà Tủa Chùa sẽ ngày càng được ủng hộ và yêu mến trên thị trường.
Yêu Trà Việt là một diễn đàn chia sẻ các kiến thức văn hóa trà Việt, các địa danh trà quán góp phần mang đến những giá trị tốt đẹp nhất tới cộng đồng yêu trà Việt.
Hãy kết nối với chúng tôi qua:
Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/yeutraviet
Fanpage: https://www.facebook.com/YeutraViet
Youtube: https://www.youtube.com/c/yeutravietOfficial
Tiktok: https://www.tiktok.com/@yeutraviet