Tìm hiểu về nguồn gốc trà – theo thư tịch

Nguồn gốc trà từ lâu nay vẫn là chủ đề được nhiều người quan tâm, dù có rất nhiều những quan điểm khác nhau nhưng mục đích chúng là lan tỏa những giá trị sâu sắc mà  trà mang lại đến cuộc sống con người. Cùng Yêu trà Việt tìm hiểu bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về nguồn gốc trà.

Triết gia Chu Hi (1130-1200) có lẽ là người đầu tiên dựa vào dẫn chứng ngôn ngữ, dẫn theo các nhóm tân học cận đại như trường hợp Lâm Ngữ Đường. Theo họ Chu trong “Lễ Ký” và “Kinh Thi” (những tác phẩm xuất hiện khoảng 1000-500 Trước Công Nguyên) đã có nhắc đến “Trà”.

Quả thực, Lễ Ký có nói đến món heo sữa nấu xong rồi được gói với “lá trà”, Kinh Thi thì nói đến các thiếu nữ (đẹp) như “hoa trà”, thiên Thất Nguyệt có viết:

Thất Nguyệt thực qua

Bát Nguyệt đoạn hồ

Cửu nguyệt thúc thư

Thái đồ (荼) tân xư…

(Tháng bảy ăn dưa; tháng tám cắt bầu; tháng chín thu vừng; hái “trà” đốt nương…).

Có nhiều thông tin về nguồn gốc trà theo những ghi chép của lịch sử
Có nhiều thông tin về nguồn gốc trà theo những ghi chép của lịch sử

Các học giả đông tây kết luận, như vậy người Á Đông đã biết đến “trà” hàng năm sáu trăm năm trước Tây Dương lịch. Hơn nữa, sách “Nhĩ Nhã” (một quyển từ điển đầu tiên của nhân loại vẫn được coi là do Chu Công (1100 Trước Công Nguyên) viết, sau đó được Tử Hạ (500 trước CN) học trò Khổng Tử san nhuận và đến đời nhà Hán, Quách Phác (276-324 Công Nguyên) viết phần chú thích và chia thành 16 phần là nhà cửa kiến trúc, vật dụng, cỏ cây, cầm thú…) trong Thảo Mộc Môn đã nói đến “trà”.

Nhưng vấn đề ở đây là chữ “trà” trong tất cả thư tịch cổ nói trên: Kinh Thi, Nhĩ Nhã, Lễ Ký, đều viết 荼 ngày nay đọc là “Đồ”, chỉ khác với chữ “Trà” 茶 một nét nhỏ. Vậy “Đồ” là “trà”? Trong sách Nhĩ Nhã thì đã nói đến “Khổ Đồ” và các cổ thư tịch cũng nói đến đặc tính đắng chát (khổ) của “Đồ”. Sách thuyết văn của Hứa Thận viết năm 121 Công Nguyên. lại nói rõ hơn là “Ming” (茗) là tên búp non hái từ cây Đồ. Thế mà “Ming” (cũng đọc là Minh hay Dánh theo âm Hán Việt) thì xưa nay cũng thường dùng lẫn lộn với chữ “Trà”.

Như vậy đã chứng minh được sự thực người Á Đông biết đến Trà từ nhiều trăm năm trước Tây Dương lịch? Sự thực cho đến ngày nay theo khoa học về cây cỏ  (Botany) thì người ta biết được cây Đồ, cũng có vị đắng giống trà. Đồ có tên khoa học là Sonchus Oleraceus. Như vậy Đồ rất khác xa cây trà (Camellia Sinensis). Cây Đồ vẫn còn được người Trung Quốc dùng đến ngày nay dưới một tên bình dân là “khổ trà” (trà đắng). Vì vậy vấn đề lại trở nên rắc rối hơn. Quả thật theo cổ thư tịch thì người Trung Quốc đã biết dùng “Đồ” làm đồ uống từ năm sáu trăm năm trước Tây Dương lịch, nhưng vẫn chưa thể chứng minh là thời đó “Đồ” 荼 với “Trà” 茶 là một hay là hai.

Chúng ta chỉ biết chắc chắn là đến thời nhà Đường (từ năm 618) Trà đã là một món uống rất phổ thông trong xã hội Trung Quốc. Có nhiều tên để gọi trà, nhưng sau quyển Trà Kinh ra đời (khoảng giữa thế kỷ thứ 8) thì danh xưng Trà đã thay thế cho tất cả các danh xưng khác.

Thức uống này mang trong mình lịch sử hàng nghìn năm
Thức uống này mang trong mình lịch sử hàng nghìn năm

Nguồn gốc cây trà theo khoa học về cây cỏ (Cây trà không phải là thổ sản của Trung Quốc)

Tất cả giống trà này đều lấy giống từ cây trà Trung Quốc (Camellia Sinensis). Thế giới đều công nhận rằng người Trung Quốc dạy cho cả nhân loại biết uống trà. Nhưng có một sự kiện đáng ghi nhận là người ta không tìm thấy cây trà hoang ở Trung Quốc.

Có lẽ chúng ta quen nhìn loại trà trong vườn trà ở Trung Quốc hay Việt Nam, thường rất thấp để tiện hái và cũng vì cứ 5, 6 năm lại phải cắt trụi đi cho cây sinh cành mới (giống như nho) nên không thể biết là cây trà nếu mọc tự nhiên, là một loại thân mộc. (Cây trà Trung Quốc vì đã bị thuần hóa cả ngàn năm nên nếu không cắt cũng đã cao đến hơn hai mươi mét). Vì vậy loại “hầu trà” trong truyền thuyết chính là loại cây trà này.

Sau khi tìm được cây trà rừng ở Assam, người ta còn tiếp tục tìm được các cây trà rừng trạng thái thiên nhiên ở các vùng biên giới Ấn Độ, Tây Tạng, Miến Điện, Trung Quốc. (Đó cũng là vùng đất biên giới Vân Nam) và đồng ý vùng này mới là nơi có cây trà mọc tự nhiên đầu tiên. Nếu nhìn bản đồ Lạc Việt từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang cho đến thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa ta thấy vùng đất này cũng là biên giới Lạc Việt, dù tên là “Nam Chiếu”, “Đại Lý”, “Tây Thục”… thì xưa đều thuộc về Quế Lâm của ta. Loại trà rừng này chỉ khác là cho nước đậm hơn, nhưng kém hương hơn loại trà Trung Quốc.

Nguồn gốc trà - theo thư tịch
Nguồn gốc trà – theo thư tịch

Ở đây tôi chưa vội kết luận rằng chính người cổ Việt đã giới thiệu cây trà cho Trung Quốc, chỉ biết tạm ở đây rằng về cổ thư tịch ở Việt Nam có rất muộn, lại bị quân Minh tàn phá tất cả. Cổ thư tịch cổ nhất Việt Nam, tôi chỉ thấy trong sách “An Nam Chí Lược” của Lê Tắc, một người phản quốc qua Tầu lưu vong, viết khoảng năm 1271, rằng năm Tống Thái Tổ thứ tám (971) vua Đinh Liễn Việt Nam đã phải cống cho Trung Quốc ngà voi, sừng tê, trà thơm… (Khai Bảo tứ niên… Thái Tổ chiếu liễn vi tiết-đô-sứ, An Nam đô hộ. Bát niên ngũ nguyệt cống kim, bạch, tê giác, tượng nha, hương trà…).

Trà Kinh của Lục Vũ cũng khẳng định “Trà là loại cây quý ở phương Nam…”. Sách “Quảng Bác vật chí” cũng viết “Cao Lư là tên một thứ trà, lá lớn, nhị nhỏ người Nam dùng để uống”. Sách “Nghiên Bắc tạp chí” cũng viết “Trà ở Giao Chỉ xanh như rêu, vị cay, nóng…”. Tất cả những cổ thư tịch này, kể cả An Nam Chí Lược, cũng đều là sách của Trung Quốc. Ở đây chỉ tạm kết luận Việt Nam xưa cũng là quê hương của cây trà và đã biết uống trà từ hơn ngàn năm trước khi trà được dùng ở Tây phương.

Hoa và quả của cây chè
Hoa và quả của cây chè

Thế giới biết đến trà thì càng muộn hơn nữa. Marco Polo có nói đến trà, nhưng phải đến năm 1559 với sự xuất bản 3 cuốn sách của bộ Navigationi et Viaggi, Âu Châu mới biết đến trà qua một đoạn văn ca tụng về trà của Hajji Mahommed. Sách Historiarum Indicarum, Libri XVI, in năm 1589 cũng đã nói đến trà. Trong văn chương Anh ngữ thì tác phẩm viết về trà đầu tiên là quyển Discours of Voyages into Easte and Weste Indies của Jan Huighen Van Linschooten năm 1598… Từ đây là những rừng thư tịch về trà của Tây phương mà ta có thể thấy trong bất cứ một thư viện nào. Ở đây ta chỉ tóm gọn là cho đến năm 1690 chỉ có 2 người có môn bài bán trà cho Anh quốc ở Tân Thế Giới, cùng lúc đó ở Anh Quốc trà chỉ được bán trong một số tiệm vàng ngọc bảo vật ở Edinburgh. Trà cũng là một lý do cho Tây Phương xâu xé Trung Quốc và trà cũng là một nguyên nhân gây nên cuộc cách mạng giành độc lập để thành lập Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Hiện nay Anh quốc đứng đầu nhập cảng Trà với số lượng gần 500 triệu cân trà một năm, kế đó là Hoa Kỳ gần 200 triệu cân, Ai Cập 70 triệu cân, Australia 60 triệu cân, Canada 50 triệu cân, Nga 45 triệu cân.

Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp cộng đồng yêu trà có cái nhìn rõ hơn về nguồn gốc trà. Theo dõi Yêu trà Việt để cập nhật những thông tin hữu ích về ngành trà.

Yêu Trà Việt là một diễn đàn chia sẻ các kiến thức văn hóa trà Việt, các địa danh trà quán góp phần mang đến những giá trị tốt đẹp nhất tới cộng đồng yêu trà Việt.

Hãy kết nối với chúng tôi qua:

Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/yeutraviet

Fanpage: https://www.facebook.com/YeutraViet

Youtube: https://www.youtube.com/c/yeutravietOfficial

Tiktok: https://www.tiktok.com/@yeutraviet

Nguồn: Sưu tầm 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *